Thủ tướng dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 6
VOV.VN - Sáng nay 12/5, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên lần thứ 6.
Sự kiện thường niên được Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm chung tay thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm triển khai thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV), giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao; tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của HSSV.
Thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV), đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân, lập nghiệp, giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, tạo mội trường học đi đôi với hành trong các cơ sở giáo dục.
Tại đây, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao cũng sẽ dược tuyển chọn để tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp; kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV.
Sau 06 năm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành Giáo dục. Các kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. 90% học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Hầu hết các địa phương, cơ sở đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV theo quy định tại Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2023, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. Đến nay, mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước đã được hình thành.
Có 60% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. Có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Có khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Đến năm 2023, 09 cơ sở đào tạo đã thành lập được các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm; có nhiều doanh nghiệp đồng hành triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án 1665 giai đoạn từ năm 2022-2025.
Sau 06 năm tổ chức, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được 1.924 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và hơn 1.111 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn.
Trong số các dự án đoạt giải của Cuộc thi, đã có những dự án nhận được đầu tư từ Nhà nước và đã được đưa vào triển khai sản xuất tại một số địa phương. Đặc biệt, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi trong toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thông qua Cuộc thi, có thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi. Sau khi kết thúc Cuộc thi, các dự án đoạt giải cao sẽ tiếp tục được ươm tạo để trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các dự án khả thi có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023. Sau 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với Cuộc thi lần thứ V. Sau vòng sơ loại đã có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của Cuộc thi.
Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ với các hoạt động chính: Tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; Chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV; Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI (SV-STARTUP-lần thứ VI); Hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự Ngày hội.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Số lượng học sinh cấp trung học cơ sở tham gia năm nay tăng so với các cuộc thi trước. Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo tại Cuộc thi lần này mang tính ứng dụng công nghệ mới như IOT, Big Data và AI. Có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã được triển khai, chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế và thực sự đã trở thành hoạt động thường niên hàng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn quốc, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp.