Thủ tướng: “Đưa 30% số thuốc, sản phẩm từ dược liệu vào danh mục BHYT“
VOV.VN - Thủ tướng cho rằng, ngành Y tế cũng phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu.
Biết tổ chức sản xuất tốt cây dược liệu có thể làm giàu
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác phát triển dược liệu Việt Nam, tổ chức sáng 12/4 tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá, cả 63 tỉnh thành đều có thể phát triển được dược liệu, nhất là vùng Tây Bắc.
Cây dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu nếu biết tổ chức sản xuất tốt. Từ phát triển dược liệu có thể tìm ra một giá trị gia tăng để nâng cao mức sống cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định cơ hội phát triển cây dược liệu ở Việt Nam là rất lớn, Thủ tướng cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng sản phẩm từ dược liệu. Ở Việt Nam, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%, là cơ hội lớn để phát triển dược liệu.
Tuy vậy, ngành dược liệu Việt Nam còn nhỏ bé, hiệu quả phát triển chưa cao, còn nhiều lãng phí khi một số loại cây dược liệu quý có nguy cơ biến mất ở Việt Nam. Do vậy, cần tạo khuôn khổ pháp luật rõ hơn, thậm chí phải sửa luật pháp để dược liệu có điều kiện phát triển.
Dù trong nước có khoảng 400 cơ sở sản xuất dược liệu quy mô khác nhau, nhưng chưa tạo được chỗ đứng trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dược liệu quý ra nước ngoài. Cây dược liệu Việt Nam chưa phát triển còn do nhiều địa phương, bộ ngành chưa quan tâm, không coi trọng y học cổ truyền, chưa kết hợp tốt giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Việc quảng bá thương hiệu dược liệu Việt Nam ra nước ngoài còn yếu kém so với khu vực.
Từ thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu ở nước ta.
“Nhà nước quan tâm về cây dược liệu không đồng nghĩa với việc bao cấp trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu. Quan điểm bao cấp, Nhà nước lo hết, không có chuyện đó đâu! Không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ thì đầu ra của dược liệu sẽ bế tắc. Từ bài học của cây trinh nữ hoàng cung xuất khẩu sang Mỹ và một số nước, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì trong vấn đề khoa học công nghệ. Không đầu tư khoa học công nghệ, không sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt, không thành công”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh xuất khẩu thô sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, Thủ tướng cho rằng cần thiết thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến vào phát triển công nghiệp dược liệu, qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm ra thị trường, kể cả thị trường thế giới.
Nhìn từ bài học của Hàn Quốc về phát triển cây sâm của nước này, Thủ tướng cho biết, Hàn Quốc đã chi nguồn lực lớn trong thời gian dài để quảng bá sản phẩm, đồng thời sản xuất ra hàng trăm loại sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới. Do đó, chúng ta cũng phải có biện pháp để quảng bá thương hiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Quan điểm định hướng phát triển dược liệu của chúng ta, một là phải nhìn nhận vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia và trong từng địa phương, cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế, để chú trọng tập trung phát triển. Thứ hai là phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu. Thứ ba, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước thành một chiến lược của ngành y tế nước ta”.
Thủ tướng tham quan một số gian hàng trưng bày sản phẩm từ dược liệu bên lề Hội nghị. |
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý hiếm, đặc hữu; lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý hiếm, bao gồm cả các bài thuốc cổ truyền có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia, hoặc được áp dụng các cơ chế ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia.
Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu đủ lớn
Tại hội nghị này, Thủ tướng cho biết, đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao từ dược liệu cũng được hưởng cơ chế chính sách về tín dụng.
Cùng với việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất dược liệu, Thủ tướng chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu dược liệu đủ lớn: “Tại hội nghị này chúng tôi đề nghị Bộ Y tế, Hiệp hội dược liệu chọn 100 dược liệu quý để trồng, chế biến trong số trên 5.000 loại cây và sản phẩm dược liệu mà Việt Nam có được. Phải chọn quy mô rộng như thế để mở rộng thị trường cây dược liệu Việt Nam. Đi liền với đó là thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để quản lý chất lượng tiên tiến công nghệ cao và nuôi trồng. Địa phương nào cũng có nhưng có sản lượng quá ít. Như Atiso chỉ có hai nơi làm được và hoan nghênh các đồng chí ở Lâm Đồng, Sapa (Lào Cai)”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam và KonTum phải thành công trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, coi đây là “quốc bảo” của dược liệu Việt Nam.
Trong sử dụng dược liệu, Thủ tướng gợi ý hướng phát triển các loại sản phẩm để tăng nhu cầu sử dụng của người dân. Đó là sản xuất ra các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đưa ra các loại thức ăn từ dược liệu, phổ biến đến mọi người dân, coi đó là một lợi thế so sánh của nước ta.
“Ngành Y tế cũng phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; có cơ chế đặc thù để thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tiêu dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề mới mà các nhà sản xuất dược liệu và những người làm dược liệu rất mong ngành Y tế triển khai chủ trương này. Hôm nay tôi lắng nghe ý kiến của Bộ Y tế kết luận chủ trương này. Cũng từ chủ trương này các đồng chí phải chiếm được khoảng 30% số thuốc từ dược liệu hoặc các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng tham quan gian hàng trưng bày cây dược liệu |
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia đã nêu lên những bất cập, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành dược liệu Việt Nam thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp, các chuyên gia và địa phương tại hội nghị, cần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của thị trường, trong đó tuyên truyền để người dân hiểu để khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, sử dụng sản phẩm chức năng dược liệu, đưa các sản phẩm thuốc sản xuất từ dược liệu vào bệnh viện, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, cho biết, công ty ông có một số loại sản phẩm tốt, nhưng đấu thầu thuốc vào bệnh viện đều “trượt”. Do đó ông đề nghị cần có quy chế đấu thầu thuốc hợp lý hơn. Cùng với đó là có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào dược liệu.
“Đầu tư dược liệu rất khó khăn, Chính phủ nên xem xét đối với những đơn vị nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu, xem xét miễn thuế trong 10 hoặc 20 năm mới kích thích phát triển được. Về chính sách, trong Nghị định 210 của Chính phủ có khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có ô về dược liệu và các sản phẩm chế biến về dược liệu. Tuy nhiên trong Nghị định quy định là diện tích trồng tối thiểu là 50ha, người dân Việt Nam lấy đâu diện tích đó trồng để được hưởng ưu đãi, nên bị loại ngay từ vòng “gửi xe”. Những doanh nghiệp đầu tư từ 50ha trở lên chắc cũng không cần hỗ trợ”, ông Nguyễn Huy Văn nói.
Được đánh giá tiềm năng rất lớn, nhưng bức tranh ngành dược liệu Việt Nam hiện nay chưa cho thấy điều đó. Với hơn 5.000 loại cây dược liệu quý, nhưng chưa đến 20 loại cây được trồng với quy mô công nghiệp./.
Thủ tướng chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển dược liệu Việt Nam