Thủ tướng gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu
VOV.VN - Các doanh nghiệp cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ đã và đang triển khai tích cực, hiệu quả cải cách thể chế, thủ tục hành chính.
Chiều nay (13/12) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp các doanh nghiệp tiêu biểu nhân dịp tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì không có cách nào khác là phải hội nhập, chúng ta không thể đóng cửa mà chúng ta làm được, hội nhập thì phải cạnh tranh mà cạnh tranh đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Thành Chung) |
Các doanh nghiệp cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ đã và đang triển khai tích cực, hiệu quả cải cách thể chế, thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan đang trở thành hai mũi đột phá tiên phong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ cũng đã hoàn thành đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu…sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là cơ hội chuyển dịch các chuỗi giá trị trên thế giới…
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Lời giải cho bài toán làm thế nào để tận dụng tốt nhất cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra trong bối cảnh mới, chúng tôi nghĩ trước hết là trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tốt cơ hội này."
"Thứ hai là sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho các doanh nghiệp, vì phần lớn doanh nghiệp của chúng ta là nhỏ và siêu nhỏ. Thủ tướng cũng đang chỉ đạo và Chính phủ đang chuẩn bị Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết 19 mà Thủ tướng đang chỉ đạo rất quyết liệt sẽ được gia tốc thực hiện triệt để trong thời gian tới. Đấy là sự hẫu thuẫn lớn nhất cho doanh nghiệp. Thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường hiện đại gắn với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là bệ đỡ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển…”
Hoan nghênh Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN” được tổ chức trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ trân trọng và mong muốn lắng nghe thường xuyên ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là về các cơ chế, chính sách để hỗ trợ và tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh thành công trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã thực hiện 10 Hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị ký chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu…
Thủ tướng chụp hình với đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu. |
Các Hiệp định này không chỉ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài mà còn tạo thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước trưởng thành cả về năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh…Nhấn mạnh thách thức lớn nhất trong hội nhập vẫn là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng nêu rõ: không có cách nào khác muốn phát triển thì phải hội nhập mà hội nhập thì phải cạnh tranh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:
“Hôm nay gặp các đồng chí, các anh chị tôi muốn nói một điều. Không có cách nào khác chúng ta phải hội nhập để phát triển, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không thể chúng ta đóng cửa mà chúng ta làm được mà chúng ta phải hội nhập, mà hội nhập thì phải cạnh tranh. Ai cạnh tranh, nền kinh tế phải cạnh tranh thì doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong cạnh tranh. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước hết là thị trường, thứ hai là hoàn thiện thể chế, luật lệ, cải cách thủ tục để doanh nghiệp bớt đi chi phí, thời gian để hạ giá thành, để tăng sức cạnh tranh…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, không ai làm thay được mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải tính toán chiến lược nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà mà trước hết là phải hạ giá thành gắn liền với đảm bảo chất lượng, thông qua nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động và ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất. Thủ tướng mong muốn, các Hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn và thách thức để có sức cạnh tranh cao hơn trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế.
Chiều cùng ngày tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp các doanh nghiệp ngành công thương để trao đổi về một số định hướng và giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp ngành công thương không chỉ góp phần tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp và thương mại mà còn chủ động đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, mở rộng rộng thị trường trong nước và tăng mạnh xuất khẩu, đảm bảo đủ điện năng phục vụ sản xuất và đời sống cũng như các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, phân bón, hóa chất cơ bản...góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng GDP của đất nước trong năm nay.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương. |
Nhiều doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh sản xuất mà còn đầu tư ra nước ngoài gắn với nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia tích cực các chương trình an sinh xã hội.
Bước vào năm 2016, năm đầu triển khai Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn và thách thức, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính tạo mọi thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương hết sức chú phát triển thị trường trong nước gắn với mở rộng thị trường nước ngoài, nhất là khai thác tối đa cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp ngành công thương đang nắm giữ nhiều sản phẩm chiến lược, mặt hàng thiết yếu của đất nước cần tập trung tái cơ cấu hiệu quả hơn, mà trước hết là nâng cao sức cạnh tranh và năng xuất lao động, nhất là trong ngành điện, than, dệt may, gia dầy…Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp ngành công thương nghiêm túc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới mạnh mẽ công nghệ và tăng cường nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển…/.