Thủ tướng: Hỗ trợ để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không
VOV.VN - Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo chứ không chỉ huy động để cho không
Sáng 15/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Điểm mà nhiều địa phương đề nghị, đó là trong bối cảnh cùng lúc có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thì cần có cơ chế phân bổ, quản lý các nguồn vốn, tránh chồng chéo, gây lãng phí vốn, không hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị: “Đối với các tỉnh nghèo đã được Trung ương giao vốn cho cả 5 năm tới, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương quan tâm cấp vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất, tránh dàn trải. Đề nghị Trung ương giao vốn trọn gói cho tỉnh trong một tổng thể nhất định, ủy quyền phân cấp cho tỉnh có thể quyết định chủ trương đầu tư. Hướng tới tỉnh cũng phân cấp đến huyện, xã trên cơ sở nguồn tiền đó để chủ động làm những gì giảm nghèo nhanh nhất thì chủ động triển khai”.
Đồng ý với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, theo chuẩn nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí thu nhập còn có các tiêu chí tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục... Chương trình giảm nghèo lần này vẫn lấy tiêu chí thu nhập là cơ bản để phân bổ nguồn lực, nhưng ngoài việc tăng thêm nguồn lực giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, thì còn 21 chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng cần lồng nghép nguồn vốn với chương trình này mới có thể giúp tiếp giảm nghèo đa chiều. Phó Thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã có thảo luận và sẽ báo cáo Thủ tướng về việc lồng nghép phân bổ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao khi năm 1993 cả nước có tới có 58% hộ nghèo thì đến năm 2015 giảm còn 4,25% theo tiêu chí cũ. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều thì tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, tương đương khoảng 2,33 triệu hộ. Thủ tướng khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên thách thức đặt ra là công tác giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Minh chứng cụ thể là cả nước có 41 huyện nghèo có tỷ lệ nghèo trên 50%. Thu nhập của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước. Đây chính là “lõi nghèo” mà Thủ tướng nhấn mạnh công tác giảm nghèo thời gian tới phải giải quyết.
Rút kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo 5 năm qua, Thủ tướng lưu ý một số địa phương còn tình trạng xác định hộ nghèo chưa chính xác, xác nhận hộ nghèo theo kiểu “luân phiên”. Thậm chí một số cán bộ địa phương lạm dụng chính sách giảm nghèo làm ảnh hưởng đến tính chất của công cuộc giảm nghèo. Trong đó có tình trạng cán bộ có thu nhập nhưng lại kê là hộ nghèo để được nhận hỗ trợ.
Để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ theo hướng để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không.
Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ theo hướng để người dân tự thoát nghèo thay vì chỉ cho không |
Với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 đến 1,5%/năm, Thủ tướng nêu nhiệm vụ sắp tới là phải đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các giải pháp giảm nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền: “Tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo, quan tâm đến người nghèo. Tuyên truyền về tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và địa phương. Hai vế này đi liền với nhau, không phải chỉ hỗ trợ không. Một dân tộc, một địa phương phải có tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo. Và tuyên truyền để người dân lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thực tiễn thời gian qua nhiều người nghèo đã vươn lên làm giàu thực sự bằng ý chí nghị lực và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành”.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện. Trong đó Thủ tướng chỉ đạo phát động cuộc thi viết về cá nhân, hộ gia đình có thành tích cao trong giảm nghèo bền vững, tôn vinh những nhân tố, điển hình mới để nhân rộng trong cả nước. Trong đó có các mô hình về du lịch sinh thái, thương mại điện tử…
Một lần nữa tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao dân trí của người dân để làm điểm tựa giảm nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không để tình trạng thảm hoạ môi trường xảy ra, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo ở địa phương và gây tái nghèo.
Theo dự kiến thì nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn này là gần 48.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm chủ yếu với gần 41.150 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn, ngoài việc yêu cầu các địa phương huy động ngân sách các cấp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, vốn ODA, trên tinh thần lá lành đùm lá rách. Cùng với đó là phải lồng nghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững