Thủ tướng: Không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại
VOV.VN - Yêu cầu các cấp, ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt lưu ý nhập cảnh trái phép.
Sáng 2/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Đây là phiên họp quan trọng trong bối cảnh nước ta đã đi qua 2/3 thời gian của năm 2020, để bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội ba tháng còn lại của năm. Thủ tướng cho biết, kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn, trong đó kinh tế xã hội tháng 9 rất tích cực, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế quý 3 đạt 2,62%, qua đó có thể nhận định chúng ta sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng dương từ 2-3% trong năm nay.
Việt Nam là một trong số ít nước tăng trưởng dương
Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết, tháng 9 nước ta có nhiều sự kiện quan trọng, như kỷ niệm 75 năm thành lập nước, đại hội AIPA, đặc biệt là đến thời điểm này đã là 30 ngày nước ta không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến nay 14 địa phương tổ chức thành công Đại hội Đảng, nhiều địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước rất ấn tượng.
Quý 3, kinh tế nước ta tăng trưởng 2,62%, là cơ sở để khẳng định năm nay chúng ta tăng trưởng dương, đạt mức từ 2-3%, phấn đấu ở mức 3%, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 2 trong các nước châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng nhấn mạnh, điều này cho thấy những chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, lần đầu tiên nước ta xuất siêu đạt kỷ lục 17 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 21 tỉ USD. Các chỉ tiêu về ổn định vĩ mô tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng giảm còn 3,85%:
Ấn tượng là doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trước đây tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu FDI, nhưng hiện tăng trưởng xuất khẩu là doanh nghiệp trong nước. Trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt trên 41 tỷ USD với nhiều nhà máy chế biến mới, nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là khai thác hiệu quả, kịp thời Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Giải ngân vốn đầu tư công còn mặt này, mặt khác nhưng cũng đạt gần 60% kế hoạch, mức cao nhất hiện nay. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 4,8%, đạt 34,7% GDP. Ba khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong khó khăn. Một lần nữa chúng ta khẳng định vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp trong khó khăn. Nguồn lương thực thực phẩm của Việt Nam dồi dào. Nông dân từ Nam chí Bắc được mùa, được giá, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh.
Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành địa phương đều cho biết nỗ lực giải ngân ở mức độ cao nhất, trong đó ngay trong năm nay sẽ khởi công một số hạng mục của sân bay Long Thành, 5 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Một thông tin vui khác Thủ tướng nêu ra, đó là dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei đánh giá tăng lên 52,2 điểm phần trăm trong tháng 9 so với 45,7 điểm phần trăm của tháng 8. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét của Việt Nam trong ASEAN.
Về an sinh xã hội, tính đến tháng 9, số hộ thiếu đói giảm 75,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lao động việc làm phục hồi, tăng 1,45 triệu người có việc làm so với quý 2.
Phấn đấu tăng trưởng 2,5 đến 3%
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít khó khăn, như công nghiệp và xây dựng vẫn bị ảnh hưởng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều đối tác quan trọng của nước ta vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó dịch vụ phục hồi chậm, nhất là lĩnh vực du lịch. Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm, khi tổng mức bán lẻ và dịch vụ 9 tháng tăng thấp. Hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn tình trạng tăng giá sách giáo khoa, quá nhiều sách tham khảo; ngộ độc thực phẩm gia tăng; tình trạng tai nạn giao thông, đánh bạc qua mạng… Từ thực tế đó, để đạt mục tiêu kép trong năm nay, Thủ tướng chỉ đạo:
Thứ nhất là không được chủ quan lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại. Yêu cầu các cấp, ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt lưu ý nhập cảnh trái phép. Việc mở lại các đường bay quốc tế là tất yếu phải làm, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch lọt vào cộng đồng. Yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, yên tâm sức khỏe cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư. Ở những địa điểm cần thiết phải có hướng dẫn bằng cả hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Việt để dễ vận dụng. Việc thứ hai trong thực hiện mục tiêu kép là đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu tăng trưởng đạt từ 2,5-3%. Theo đó phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn những dự án, chương trình có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện chương trình du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân, gồm cả đầu tư trong nước và FDI.
Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai gấp việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 15 của Thủ tướng, theo hướng bỏ bớt các điều kiện tiếp cận vốn vay hỗ trợ, nhất là gói 16.000 tỷ đồng hiện đang khó giải ngân. Về vấn đề này, thảo luận tại phiên họp trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hướng sửa đổi Nghị quyết 42.
"Thứ nhất, trước đây chúng ta đặt ra điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, không có nguồn thu để trả lương, nếu đặt ra tiêu chí đó thì doanh nghiệp đã dừng hoạt động. Do đó, tinh thần lần sửa đổi này, chúng tôi cũng thống nhất trao đổi với các ngành, thì đối với doanh nghiệp mà có nguồn thu giảm 20% so với quý 4 của năm 2019 và quý liền kề thì được vay. Thứ hai, ai là người đứng ra vay? Doanh nghiệp vay mà bắt UBND tỉnh, huyện xác nhận thì không ai xác nhận được. Do đó tinh thần sửa đổi lần này là người đứng đầu doanh nghiệp đứng ra vay và chịu trách nhiệm về việc đó. Nếu thất thoát, mất mát thì anh phải chịu trách nhiệm"- Thủ tướng nhấn mạnh./.