Thủ tướng: Không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu phát hiện ra trường hợp ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ sẽ xử lý nghiêm, không kém gì trường hợp gian lận.
Sáng nay 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp tiếp tục phòng, chống Covid-19. Biểu dương nhiều người dân chia sẻ với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch khi tự khắc phục khó khăn và không nhận hỗ trợ. Tuy nhiên Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nếu phát hiện được thì phải xử lý nghiêm.
Với việc gần 1 tháng qua cả nước không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, đây là điều hết sức thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vực dậy nền kinh tế. Do đó, các địa phương phải quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, triển khai tốt gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta đã đẩy mạnh gói an sinh xã hội trên tinh thần là kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng. Trong đó chúng ta thấy có nhiều tấm gương tốt, những tấm lòng của người dân tự khắc phục khó khăn. Nhân đây tôi yêu cầu các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm, không kém gì trường hợp gian lận”.
Đánh giá cao Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã tổ chức tốt việc đưa một số công dân Việt Nam đang học tập, sinh sống, làm việc tại nước ngoài gặp khó khăn đặc biệt do Covid-19 trở về nước, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước. Các ca nhiễm khi về nước đều được chăm sóc y tế để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, ngoài một số trường hợp đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần có biện pháp phù hợp, tuyên truyền để công dân Việt Nam yên tâm ở lại nước sở tại, tuân thủ tốt các yêu cầu phòng, chống dịch, tránh tình trạng trở về nước một cách dồn dập, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cũng như an toàn ở trong nước. Nhất là mới đây, đã phát hiện 17 ca dương tính với SARS-COVID-2 từ UAE trở về, 24 ca dương tính từ Nga trở về.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành không được chủ quan, không được để lây nhiễm ra cộng đồng, lây chéo trong khu cách ly.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ngăn chặn dịch từ bên ngoài theo hướng chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch. Chỉ cấp thị thực cho các nhà đầu tư, chuyên gia, các khách công vụ và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp. Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát việc đi lại của cư dân biên giới, nhất là đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ; Tiếp tục duy trì các nhóm phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng và cách ly kịp thời khi có ca nhiễm mới.
Trong bối cảnh không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, du lịch nội địa. Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch có phương án để khi đủ điều kiện có thể thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp để các nhà đầu tư, các chuyên gia, công nhân lành nghề, du học sinh nước ngoài quay trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc và học tập.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tự do các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó có bộ kít thử SARS-COVID-2 mà nước ta sản xuất thành công được EU và một số nước công nhận; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thành quả, kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch, thúc đẩy quan hệ với các nước và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tiếp tục hoạt động, xây dựng chiến lược phòng chống dịch mới vừa hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế, nhất là khi chưa có vaccine thì việc phòng, chống Covid-19 phải là chiến lược lâu dài.
Về kinh phí do các tổ chức, cá nhân đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng cho biết, các vật tư, trang thiết bị hỗ trợ đã được phân bổ, sử dụng hiệu quả. Đối với phần hỗ trợ bằng tiền mặt, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án quản lý và sử dụng công khai, minh bạch, công bằng, thống nhất, trình Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Trong đó cần lưu ý có sự hỗ trợ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp khó khăn về dịch, trước hết là dành một phần để hỗ trợ cho bà con Việt kiều tại một số nước như Lào, Campuchia. Đây chính là tấm lòng của nhân dân trong nước đối với bà con người Việt ở nước ngoài.
Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn cố gắng để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, quyết tâm cao trong công tác phòng, chống Covid-19; các lực lượng chống dịch tiếp tục phát huy tinh thần tình nguyện, không ngại khó khăn gian khổ; các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy truyền thống chia sẻ, đùm bọc nhau lúc khó khăn để cùng chiến thắng Covid-19./.