Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn tại Hà Nam

VOV.VN - Trong 3 cơ sở, cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên sau gần 4 năm, khu khám bệnh vẫn chưa đi vào hoạt động.

Sáng ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các bệnh viện.

Ngay sau khi kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với các cơ quan liên quan.

Các dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được đặt tại phường Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đây là 2 dự án nằm trong đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2014. 

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư được phê duyệt 4.990 tỉ đồng. Còn cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 4.968 tỉ đồng. 

Với mục tiêu xây dựng bệnh viện hiện đại, ngang tầm khu vực, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, cả hai dự án đều do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế làm chủ đầu tư. 

Cả 2 cơ sở này được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014, khởi công năm 2015, kỳ vọng hoàn thành năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. 

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tổng mức đầu tư 2 cơ sở này là gần 10.000 tỷ đồng. Quy mô mỗi cơ sở là 1000 giường bệnh. Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 10/2018, khu khám bệnh của cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị được khánh thành.

Tuy nhiên việc "khánh thành" chỉ tạm dừng ở phần "cắt băng" mà chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Sau gần 4 năm, khu khám bệnh vẫn chưa đi vào hoạt động. Còn cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ hoạt động từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi đóng cửa, dừng tiếp nhận bệnh nhân. Tình trạng hiện nay của hai cơ sở này hoang vắng, là cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục dang dở, nhếch nhác. Một số tòa nhà xuất hiện bong tróc, xuống cấp, nhiều cơ sở vật chất han rỉ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với 2 dự án trên là cơ chế, nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng với một số gói thầu.

Ngay sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam về hai dự án này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kết, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp...; đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này. 

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các đơn vị quản lý dự án và tỉnh Hà Nam báo cáo tình hình triển khai dự án; những khó khăn, vướng mắc; các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương đầu tư 5 bệnh viện Trung ương tuyến cuối đến nay đã 3 nhiệm kỳ. Trong 5 bệnh viện, có 3 bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư thì đã hoàn thành, trong khi 2 bệnh viện do Bộ làm chủ đầu tư thì vẫn dang dở. 

“Chúng ta phải xem xét tại sao địa phương làm được mà Bộ lại không làm được, xác định nguyên nhân, nhất là vai trò người đứng đầu”, Thủ tướng nhắc nhở. 

Theo Thủ tướng việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm nhiều năm, đội vốn. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những yếu kém, sai lầm từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. 

Việc thực hiện dự án chậm, đội vốn khiến cả bệnh viện, người dân, địa phương đều suốt ruột, trông ngóng. Do đó, dù có khó khăn, vướng mắc, song dứt khoát phải tháo gỡ, để tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành, đưa hai bệnh viện vào hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Tổ công tác tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án; rà soát thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác. 

Trên cơ sở đó, xác định vấn đề nào luật pháp cho phép giải quyết, vấn đề nào chưa có quy định; vấn đề thuộc thầm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể. 

* Đối với Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2, tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng năm 2017; UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định giao đất và bàn giao hơn 4.5000 m2 đất để xây dựng bệnh viện. 

Hiện nay, dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 chưa được khởi công xây dựng, song đã dành một phần kinh phí để khảo sát, thiết kế, lập dự toán, tạm ứng hợp đồng thi công... Mặc dù vậy, qua rà soát xây dựng các quy hoạch, tỉnh Hà Nam cho biết vị trí xây dựng bệnh viện trùng lắp với quy hoạch khu du lịch Tam Chúc nên hiện tạm dừng xây dựng bệnh viện, xin ý kiến chuyển vị trí. 

Sau khi nghe các Bộ, ngành, đơn vị và tỉnh Hà Nam báo cáo, đề xuất các hướng giải quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế chủ trì, phố hợp với các bộ, ngành bàn bạc và tham khảo ý kiến các bên nếu đồng thuận, hợp tình, hợp lý, hiệu quả thì tổ chức thực hiện; trên tinh thần đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. 

Trong trường hợp các bên đồng thuận di chuyển vị trí xây dựng tới vị trí khác thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật; xử lý vấn đề tài chính, dứt khoát không để thất thoát tiền của Nhà nước và để xảy ra tham nhũng. 

* Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chậm nhất sau 2 tháng nữa các Bộ, ngành và tỉnh Hà Nam phải có phương án xử lý; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chỉ đạo, giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên