Thủ tướng: Kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả
VOV.VN -Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, coi trọng sản xuất đi liền bảo vệ môi trường.
Chiều nay (15/5), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 65 năm ngành Công thương Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, coi trọng sản xuất đi liền bảo vệ môi trường.
Cách đây 65 năm, ngày 14/5/1951, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương để giúp Chính phủ quản lý toàn ngành, đáp ứng nhu cầu kháng chiến và kiến quốc. Ngày 14/5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Công thương. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, cũng như trong giai đoạn đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Công thương đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế đất nước.
Hiện tỷ trọng các ngành Công nghiệp và Dịch vụ đã chiếm hơn 80%GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong các lĩnh vực như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hoá chất, cơ khí, dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát,… Về thương mại, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương với 150% tổng GDP. Thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương đã có nhiều thành tích, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh thống nhât đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm chiến tranh, ngành Công thương thực hiện tốt hai nhiệm vụ, vừa xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đẩy mạnh sản xuất chi viện cho miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975.
Trong giai đoạn đổi mới, ngành phát huy vai trò vị trí đầu tàu, chủ chốt đối với nền kinh tế, đi đầu trong công tác hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngành Công thương cũng đã chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay ngành đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại đa phương, đặc biệt tích cực tham gia TPP, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra một số những thách thức trước mắt đối với ngành Công thương, như biến động kinh tế thế giới phức tạp, cạnh tranh gay gắt, trong khi sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, nhiều dự án hiệu quả đầu tư thấp, thua lỗ, mất vốn; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa phát triển chưa đồng đều, chưa vững chắc, đối mặt với nguy cơ thâu tóm hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, hiệu quả quản lý thị trường chưa cao, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả và an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng; chưa theo kịp các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tự, kinh doanh đa cấp, xuất xứ hàng hóa C/O.
Thủ tướng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Công thương quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020, nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ, nhằm thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu, chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2016, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19 năm 2016 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngành Công thương cần chỉ đạo vượt mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016; Tiếp tục chủ trì triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt kết quả tốt hơn nữa.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công thương đẩy mạnh mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công thương, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; Nhanh chóng thể chế hóa pháp luật, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để pháp luật, chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để, hiệu quả lợi ích mang lại từ chính sách mới.
Đối với sản xuất công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, để từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm, từng bước thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động giản đơn. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với một số ngành trọng điểm, rà soát, đánh giá, kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, coi trọng sản xuất đi liền bảo vệ môi trường; tái cơ cấu, bán, cho phá sản các dự án thua lỗ, mất vốn.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công thương đẩy mạnh việc triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến 2030. Đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thị trương trong nước, tầm nhìn đến năm 2035.
Cùng với đó, ngành Công thương phải đẩy mạnh quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước những rào cản thương mại và phi thương mại của nước nhập khẩu.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng ngành Công thương Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ hai, ngành Công thương vinh dự nhận phần thưởng cao quý này./.
Bộ Công Thương: Phải cân nhắc nếu làm thủy điện trên sông Hồng
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo “công trình sai lầm thế kỷ“
Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về kiểm tra bán hàng đa cấp 3 tháng/lần