Thủ tướng làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
VOV.VN - Chiều 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển KTXH của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng đại diện các bộ ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tình hình KTXH đạt nhiều kết quả, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký mới 7 tháng đạt 768,8 triệu USD, tăng gần 4,6 lần so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc thực hiện hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với Công ty Samsung Electronics Việt Nam; về hỗ trợ vốn NSTW để đầu tư dự án đường 285B kết nối KCN Quế Võ 1, Quế Võ 2 và KCN Gia Bình 2; việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Về việc tiếp tục triển khai thực hiện 2 mô hình: Trung tâm Hành chính công tỉnh và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Cùng với đó Thủ tướng đã phân tích những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chỉ rõ những tồn tại hạn chế. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh cần tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, lợi thế thiên nhiên đất, trời của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; Thủ tướng đề nghị tỉnh phải coi đây là nhiệm vụ chính trị cần được tập trung ưu tiên thực hiện.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Thủ tướng đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới trong đó nhấn mạnh, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, tập trung nguồn lực cho Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô đoạn đi qua địa bàn tỉnh và các dự án trọng điểm của tỉnh; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi... Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, nhất là các chương trình Festival về miền Quan họ.
Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng bảo đảm liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp… Phải quan tâm đầu tư, cải tạo, không để trở thành những “dòng sông chết” gắn với phát triển xanh, bền vững, bảo đảm an toàn nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Triển khai hiệu quả các CTMTQG. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ; đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đang dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về các kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông cho địa phương phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Trước đó vào trưa nay, Thủ tướng và đoàn công tác đã thăm Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Cát Tường Smart City và Dự án Thống Nhất Smart City tại xã Thụy Hòa và xã Yên Trung huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có quy mô diện tích khoảng 20ha, đã hoàn thiện hạ tầng và phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao tới khách hàng.
Thăm các căn hộ nhà ở xã hội, tìm hiểm về diện tích, công năng, giá thành và khả năng tiếp cận của người dân, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các dự án nhà ở xã hội; các doanh nghiệp đã cùng Nhà nước, chính quyền các cấp tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Với phương châm, mọi người đều phải “An cư mới lạc nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội như về chính sách đất đai, vốn, thuế… Đặc biệt, các chính sách phải đồng bộ hỗ trợ cả người xây dựng và người sử dụng nhà ở xã hội, gồm các hình thức mua, thuê và thuê mua nhà. Quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Tặng quà công nhân đang xây dựng tại công trường, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu nỗ lực tập trung xây dựng khu nhà ở xã hội khang trang, đẹp đẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp; đồng thời bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình.