Thủ tướng mong có thêm nhiều món quà cho đất nước, nhân dân từ các DNNN

VOV.VN - Phát biểu tại Hội nghị với các doanh nghiệp Nhà nước toàn quốc, Thủ tướng mong muốn sau hội nghị này, các DNNN sẽ có thêm nhiều "món quà" tặng cho đất nước, nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trên tinh thần “người dân, doanh nghiệp, Nhà nước - lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp”.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, đại diện các công ty nhà nước.

Trước khi vào hội nghị, các đại biểu dành phút mặc niệm 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong và mất tích do lũ ống, lũ quét tại Lào Cai những ngày vừa qua. 

Tại Hội nghị, các đại biểu doanh nghiệp đề nghị nhiều vấn đề như cần có khung pháp lý đủ mạnh để phát huy tối đa nguồn lực của DNNN nhằm phát triển kinh tế - xã hội; trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp Nhà nước; có cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị; cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước…

Đặc biệt, các đại biểu đề nghị có cơ chế miễn trừ trách nhiệm nếu tại DNNN có hạn chế, yếu kém nhỏ, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, trong khi kết quả tổng thể vẫn đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng nêu ý kiến: “Chúng tôi rất phấn khởi khi Bộ Tài chính đang chủ trì sửa các luật 69, tức là sử dụng vốn tại nhà nước. Mong là Bộ lắng nghe những bất cập trong thời gian vừa rồi, đặc biệt như chiến lược được Thủ tướng duyệt thì mới được đầu tư, nhưng có những chiến lược duyệt chậm thì trong vài năm không đầu tư được. Thứ hai là doanh nghiệp Nhà nước tới đây sẽ được giao một số nhiệm vụ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, như vậy cũng phải tính đến hiệu quả sử dụng vốn, chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe và đưa vào luật 69, sớm sửa đổi để ban hành. Chúng tôi được biết Thủ tướng cũng đang chỉ đạo xây dựng quy định về việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp nhà nước thể chế hóa, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm đến đâu? như thế nào? Tôi nghĩ các DNNN đều rất mong muốn được làm, thế nhưng dám chịu trách nhiệm đến đâu thì cần phải quy định rõ ràng để làm. Đây là cơ sở để chúng tôi đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng: “Vấn đề Thủ tướng đặt ra là khai thác được nguồn lực đang nằm ở DNNN của các tập đoàn kinh tế là vấn đề rất trọng tâm, vậy làm thế nào để nguồn vốn và nguồn lực mà các tập đoàn kinh tế bao gồm cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa sớm vào thì chỉ có cách làm thế nào để tăng cường đầu tư, mà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hiện nay còn rất vướng, ở chỗ đầu tư cho năng lượng là đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, thu hút vốn rất lớn và thu hồi vốn chậm, thế nhưng hiện nay trong hệ thống thể chế của ta chưa có bất cứ một cơ chế đặc thù nào cho năng lượng”.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng kiến nghị Bộ Công Thương triển khai và giải quyết việc chuyển ngang giá khí và sản lượng bao tiêu trong cơ chế sử dụng LNG cho các dự án nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4 và đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm của PVN. Ông Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 124 thay thế cho Nghị định đầu tư ra nước ngoài của dầu khí và đặc biệt có phân cấp ngay cho các dự án thuộc lĩnh vực thượng nguồn trong giai đoạn chuyển tiếp của Luật Dầu khí hiện nay vẫn đang thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nhưng trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Dầu khí cũ và mới, cho nên thời gian phê duyệt cũng khá lâu”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước và giải đáp của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng thời giải đáp từng phần các ý kiến của đại biểu; kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trên tinh thần “người dân, doanh nghiệp, Nhà nước - lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp”; yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm tháo gỡ cả những vấn đề đã tích tụ nhiều năm; đưa ra các chính sách sát thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả cao.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, tiên phong thúc đẩy tăng trưởng; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở đường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, thu hút nguồn vốn và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đồng hành, kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp; phát huy tinh thần đại đại đoàn kết, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, tinh thần tự lực, tự cường, biến cái không thể thành có thể để đi lên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp để xây dựng, phát huy vai trò của DNNN; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực của DNNN, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đối với các DNNN, Thủ tướng yêu cầu tăng cường đóng góp xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030).

Đồng thời với thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, nhất là đối với 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định, trong đó có các dự án cao tốc, dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dự án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, sát thực tế; bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tạo động lực, truyền cảm hứng để đóng góp tích cực cho sự phát triển.

Cùng với đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động và các chủ thể liên quan đến doanh nghiệp; cùng nhau và cùng các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…

Các doanh nghiệp cần cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm; cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành mới nổi như: kinh tế số, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không quá máy móc mà phải linh hoạt, sáng tạo để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, cùng phát triển; ngân hàng phải thực sự là trụ đỡ có hiệu quả của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sử đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phù hợp với tình hình và tháo gỡ được rào cản, khơi thông, thúc đẩy phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn triển khai nghiên cứu, sản xuất hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện các quy định về thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, góp phần phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương và đóng góp ngày một tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng mong muốn sau hội nghị này, các DNNN sẽ có thêm nhiều "món quà" tặng cho đất nước, nhân dân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước

VOV.VN - Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Thủ tướng chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước

Thủ tướng chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước

VOV.VN - Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.