Thủ tướng nêu 3 cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI
VOV.VN -Thủ tướng nêu rõ 3 cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức".
Sáng 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Đồng hành và phát triển cùng Việt Nam. Chương trình do Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài phối hợp tổ chức.
Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hông Diên, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cồng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với chủ đề “Đồng hành và Phát triển” là một hoạt động tiếp theo của Hội nghị “Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua và nhấn mạnh thêm thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khu vực ĐTNN; và cũng thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà ĐTNN.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua khu vực ĐTNN được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Biến đổi khí hậu; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột vũ trang ở một số khu vực… đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; cũng như dòng FDI toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.
Đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, với sự ứng xử kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính sách tài khoá như gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản; hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn…; đồng thời xác định điểm thống nhất cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng động nhà đầu tư. Đây là những tiền đề căn bản để Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển KTXH.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; Vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, VN cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
Với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: “Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá trung thực, điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời”, Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của DN, trong đó có DN, nhà ĐTNN. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả DN và Việt Nam.
Tại hội nghị này, Bộ KHĐT cũng đã kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp như đối với các Bộ, ngành, địa phương, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN, nhà đầu tư để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới; chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư trong lĩnh vực mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị.
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà ĐTNN Bộ Kế hoạch và đầu tư cần tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và DN để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn; sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới; thúc đẩy kết nối giữa DN nhỏ và vừa với DN lớn; giữa DN trong nước với DN có vốn ĐTNN, DN ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội nghị, cộng đồng DN đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà ĐTNN vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ông David Whitehead, đại diện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kiến nghị: “Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chúng ta cần có những điều chỉnh tổng thể quy trình, thủ tục cấp phép đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế, cấp giấy phép lao động, cũng như các thủ tục quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút được VBF đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam, đặc biệt vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn, chip. VBF cam kết luôn sẵn sàng phối hợp với Chính phủ hướng tới những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai”
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhấn mạnh: “Chúng tôi cần những thủ tục được đơn giản hóa để có thể tiếp cận được năng lượng sạch, xanh và đối với những nhà đầu tư mới thì cũng cần phải tiếp cận được với cả những nguồn năng lượng tái tạo để có thể quyết định đầu tư tại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong những nỗ lực này.”
Còn ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị: “Làm như thế nào các đối tác cùng các địa phương có thể tham dự vào chuỗi cung ứng FDI một cách mạnh mẽ hơn. Thứ hai, chúng ta cần phải quản lý tài nguyên một cách tốt hơn, tài nguyên ở đây không chỉ là tài nguyên thô mà là tài nguyên con người nữa và điều quan trọng nữa là chúng ta còn phải có những biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tính ổn định, biện pháp bảo đảm, Chính phủ cần phải ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn. Chúng tôi mong muốn là Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường có thể dễ dàng tiếp cận hơn cho các công ty vừa và nhỏ.”
Ông Eurocham Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) ghi nhận và đánh giá cao quy hoạch điện 8 của Chính phủ Việt Nam nhưng trọng tâm hiện nay là phải làm sao thiết lập được một khung khổ pháp lý mạnh mẽ để có thể hỗ trợ được quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. EU sẵn sàng hỗ trợ trong việc hướng dẫn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tài trợ tài chính để đảm bảo cho việc tuân thủ, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam.
Ngay sau khi các đại diện doanh nghiệp FDI nêu ý kiến và đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề, lãnh đạo các bộ ban ngành đã giải đáp nhiều vấn đề các đại biểu nêu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm với Việt Nam; thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư đã đến và đầu tư vào Việt Nam, luôn đồng hành vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội, cùng với Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, hiệu quả; trong điều kiện thế giới khó khăn hiện nay, các nhà đầu tư vẫn cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ 3 cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích ổn định, lâu dài, bền vững ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật, bảo vệ người làm đúng, tạo hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Về các câu hỏi của các nhà đầu tư về việc Việt Nam làm gì để đồng hành các nhà đầu tư làm ăn phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ 9 yếu tố nền tảng trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đang thực hiện 3 trụ cột phát triển đất nước đó là: xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xuyên suốt 3 trụ cột này là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng khẳng định, đây là nền tảng quan trọng góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, là thành viên tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; Việt Nam tạo môi trường ổn định để các nhà đầu tư yên tâm; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” và tạo môi trường hoà bình, ổn định, lâu dài để các nhà đầu tư yên tâm đến Việt Nam; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực hội nhập quốc tế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; cùng các nhà đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch; đột phá về hạ tầng chiến lược, liên quan hạ tầng số, giao thông, giảm giá thành logistics, tạo cạnh tranh cho sản phẩm; đột phá cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải nắm bắt chắc chắn, chặt chẽ tình hình thế giới để phản ứng linh hoạt các chính sách kịp thời phục vụ các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục là hình mẫu của khôi phục, khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam xác định nhiều việc phải làm, nhưng tập trung quan tâm cho doanh nghiệp nước ngoài, đó là hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của DN, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế (như tiếp cận vốn tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đất đai, thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…).
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Thủ tướng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của DN, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.
Các hiệp hội cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, đồng hành và phát triển bền vững, hiệu quả cùng Việt Nam - Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.