Thủ tướng nêu "5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá"
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ "5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá" tại hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng chỉ rõ cần phải bám sát định hướng chỉ đạo về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng theo phương châm: năm tăng, năm giảm, năm tăng tốc bứt phá.
"Chúng ta hãy nắm bắt cơ hội lúc này"
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Thảo luận tại hội nghị, các đại tập trung thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiền tệ, tín dụng, góp phần thúc đẩy SXKD, tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cùng vơi đó các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.
Chủ tịch Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN khoảng 3,8.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD. Do đó thì biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Việc Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá khá ổn định giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu những ảnh hưởng của rủi ro biến động tỷ giá. Do đó, ông mong trong thời gian tới có những giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân thì cho rằng dứt khoát phải giải quyết bài toán ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được, trong khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay lại không được.
Ông Thân kiến nghị, ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, Chính phủ nghiên cứu các gói cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ví dụ như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ sáng tạo quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là giải pháp phi tín dụng rất hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ông cũng thông tin, Chính phủ đang trình dự thảo 2 nghị quyết, trong đó có nghị quyết rất quan trọng là cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở, hoặc đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại. "Tuyệt vời nếu giải quyết được khâu này, chúng ta sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường sản" - ông Châu nói.
Đại diện các ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho biết, mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng thời điểm này Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn với những bước tiến dài cho nền kinh tế. Nguyên thủ các cường quốc trên thế giới lần lượt thăm chính thức Việt Nam trong năm qua và công tác ngoại giao kinh tế của Chính phủ thành công hơn bao giờ hết. Tình hình địa chính trị quốc tế và nội lực mạnh mẽ của quốc gia là cơ hội cho Việt Nam.
"Chúng ta hãy nắm bắt cơ hội lúc này, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư của nền kinh tế, nhất là đầu tư tư nhân, đi qua những biến động, tìm các giải pháp bơm vốn cho nền kinh tế, đây cũng là cơ hội lớn mạnh của ngành ngân hàng" - bà Thảo nêu quan điểm.
5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá
Sau khi nghe các ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh cao và biểu dương Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và một số bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh cần theo dõi sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, có phản ứng chính sách ứng phó linh hoạt với biến động thị trường quốc tế, trong nước, góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong điều hành phải chủ động, linh hoạt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm ưu tiên phù hợp trong từng giai đoạn, thời điểm.
Cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, bảo đảm ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở bám sát tình hình thị trường và cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ chính sách, giải pháp cụ thể.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Thủ tướng chỉ rõ đây là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Mục tiêu cụ thể năm 2024 là đảm bảo tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0 - 4,5%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu không bao gồm các NHTM yếu kém dưới 5%.
Về định hướng chỉ đạo, điều hành Thủ tướng khái quát bằng 3 cụm từ: 5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc bứt phá. “5 tăng” là: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng động lực truyền thống; chất lượng pháp lý; tăng chất lượng tín dụng; tăng sự phối hợp ngân hàng, doanh nghiệp; tăng năng lực quản trị, điều hành; tính công khai, minh bạch, lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng tiêu cực.
“5 giảm” là: giảm lãi suất cho vay; gảm chi phí giao dịch hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng.
“5 tăng tốc bứt phá” có: tăng tốc bứt phá về số hóa; tăng tốc bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc bứt phá về phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đóng góp cho tăng trưởng.
Thủ tướng chỉ rõ, để đạt được mục tiêu đề ra cần, quyết tâm, nỗ lực phải rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động; phải kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành “giật cục”; không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”; giữ vững đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả ngành ngân hàng với tinh thần: đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, đặc biệt là đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, 02/NQ/CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất..., gần nhất là Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng.
Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống TCTD; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng. thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất