Thủ tướng: Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi thăm và chúc Tết cán bộ, người lao động ngành Ngân hàng, ngày 8/2.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và đông đảo cán bộ, người lao động ngành Ngân hàng.
Năm 2021 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí. Khoảng 600.000 khách hàng với dư nợ trên 280.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; gần 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn gần 4 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay; khoảng 1,2 triệu khách hàng được cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số đạt trên 7 triệu tỷ đồng; miễn, giảm hơn 2.500 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán, cho vay đối với đơn vị sử dụng lao động, người lao động qua Ngân hàng chính sách xã hội; giải ngân 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines tháo gỡ khó khăn theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Năm 2022, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục phục hồi nhưng nhiều bất trắc và có sự phân hóa mạnh giữa các khu vực. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại. Giá cả hàng hóa thế giới được dự báo tăng cao, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi sẽ tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước dự báo lạm phát sẽ tăng cao đặt ra các thách thức cho hoạt động của ngành Ngân hàng.
Trước tình hình đó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích, vận động tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục các giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ để mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, đảm bảo an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để tránh rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. NHNN phải chú ý công tác truyền thông, tránh khủng hoảng truyền thông và nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng.
Với ý chí, quyết tâm cùng với kinh nghiệm và những kết quả rất quan trọng mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Thủ tướng tin tưởng rằng, Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để đạt được những thành tích to lớn hơn trong năm 2022.
Nhân dịp Năm mới Nhâm Dần 2022, Thủ tướng chúc Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng, với niềm tin và tinh thần trách nhiệm cao sẽ có một năm thành công, thuận lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.