Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Không phải ký kết rồi xong"
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, việc đàm phán ký kết là tốt nhưng phải biết tận dụng thuận lợi, có chương trình hành động, đầu tư và nỗ lực vươn lên...
Tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra đối với ngành công thương tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Công thương diễn ra sáng 31/12, tại Hà Nội.
Báo cáo và các tham luận tại hội nghị cho thấy: Bên cạnh những thuận lợi, năm 2015 nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên do triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ và các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng cùng với tập trung tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự nỗ lực của công đồng doanh nghiệp, ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch cả năm.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. |
Nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, xuất khẩu tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng; cung cầu hàng hoá trong nước được đảm bảo…
Đặc biệt, năm nay đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với: Liên minh kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc, đồng thời kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Châu ÂU (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với kết quả này, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác thuộc G20. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, tạo ra vị thế mới, thuận lợi mới cho sự phát triển.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,7%, ngành công thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm tới tăng khoảng 9-10% so với năm nay; xuất khẩu đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 12%....
Đánh giá cao đóng góp của ngành công thương vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2015 và cả 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn toàn ngành phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, tranh thủ điều kiện thuận lợi nhằm đạt kết quả cao nhất trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Cơ bản đồng tình với báo tổng kết cũng như những nhiệm vụ mà ngành công Thương đề ra cho năm 2016 cũng như cho giai đoạn 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch góp phần để công nghiệp, thương mại phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng nêu rõ trong quá trình xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phải hết sức sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đây chính là “hạ tầng mềm” để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại.
Toàn cảnh hội nghị. |
Cùng với đó là không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ; tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục mở rộng các thị trường truyền thống gắn với tìm kiếm các thị trường mới và tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hội nhập để người dân biết và khai thác các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Chúng ta đàm phán được nhưng chúng ta chưa tận dụng được thuận lợi, lợi thế để phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu, mà cái này rất quyết định cho tăng trưởng, cho công ăn việc làm".
"Các hiệp định là điều kiện để chúng ta thành công, bây giờ phải tuyên truyền cho người dân, cho doanh nghiệp hiểu về Cộng đồng ASEAN là thế nào? Thuận lợi thế nào, khó khăn thế nào? Rồi FTA với các nước thuận lợi cái gì khó khăn cái gì? Rồi TPP thuận lợi cái gì, khó khăn cái gì và chúng ta phải làm cái gì? Chứ không phải chỉ ký kết rồi xong đâu. Ký kết rồi phải chương trình hành động thế nào, phải đầu tư thế nào, rồi doanh nghiệp phải nỗ lực tái cơ cấu thế nào để vươn lên để hội nhập…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Công thương tập trung phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế; đồng thời tăng cường công tác chống hàng giả hàng lậu hàng kém chất lượng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công thương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh ở từng lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ; tập trung cải cách thủ tục hành chính trên tinh thần lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các hiệp hội để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm góp phần trực tiếp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…/.