“Thủ tướng nói đừng để nhà đầu tư luồn lách quy hoạch”
VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng nói đừng để nhà đầu tư, nhà thầu luồn lách quy hoạch, điều chỉnh giá thầu”.
Đánh giá tại buổi kiểm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Xây dựng, sáng 17/2, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đánh giá Bộ Xây dựng rất quan tâm công tác quy hoạch, nhưng trong thực tiễn tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Do đó, người đứng đầu Chính phủ mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Bộ Xây dựng.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng
Quy trình ngược khi quy hoạch chạy theo dự án
Công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch bị đánh giá còn có nhiều bất cập, yếu kém; quy hoạch chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc triển khai nhiệm vụ sau quy hoạch chung đã được phê duyệt rất trì trệ. Chính quyền địa phương không quyết liệt trong việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Việc chậm lập quy hoạch chi tiết dễ dẫn đến việc bắt tay, thỏa thuận quy hoạch.
Công tác giám sát, quản lý việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép được cấp còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến nhiều công trình chủ đầu tư ngang nhiên xây vượt tầng, sai phép, điển hình như: Dự án khách sạn Mường Thanh (Khánh Hòa), Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội)… Hậu quả là tăng mật độ dân số, thiếu các không gian chung như vường hoan, sân chơi, tình trạng ngập úng, đặc biệt gây áp lực hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội; tình trạng “phạt cho tồn tại” còn tiếp diễn…
Ngoài ra, theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, công tác dự báo quy hoạch không sát với thực tiễn của đô thị, tình trạng quy hoạch “chạy” theo dự án. Ví dụ Hà Nội và TPHCM xảy ra ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng có nguyên nhân các bệnh viện, trường học được cấp đất xây dựng để di dời khỏi trung tâm nhưng không những không được di dời mà còn xây dựng thêm, hoặc những cơ sở xác định chắc chắn được di dời thì nhà đầu tư lại “nhanh tay” trực sẵn, sau đó chính quyền lại điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy phép cho xây những dự án cao tầng…
“Điều mà người dân mong muốn và Thủ tướng yêu cầu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ Xây dựng sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể, quyết liệt gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch” – Tổ công tác nhấn mạnh.
“Thủ tướng nói đừng để nhà đầu tư luồn lách”
Nhấn mạnh những vấn đề mà Thủ tướng lưu ý đều là vấn đề dư luận rất quan tâm, có vấn đề bức xúc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng đang tập trung xử lý.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng nêu cụ thể các giải pháp lớn để khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong đó có việc tham mưu sửa đổi các quy định theo hướng phân cấp mạnh mẽ, gắn trách nhiệm của địa phương, bộ ngành và người đứng đầu;
“Tuy nhiên, phân cấp thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng là bảo đảm chất lượng công trình, an toàn cho người dân, chống tham nhũng, lãng phí. Luật quy định rõ Bộ làm cái gì, địa phương làm cái gì nhưng nếu không có phối hợp, thanh tra, kiểm tra thì kết quả cũng không tốt” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn, đồng thời yêu cầu cơ quan liên quan của Bộ nhận rõ trách nhiệm để có giải pháp tham mưu khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình một số vấn đề mà Tổ Công tác của Thủ tướng nêu ra sáng 17/2 |
“Tới đây Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân và báo chí để tiếp thu xử lý theo thẩm quyền và nhiệm vụ” – ông Phạm Hồng Hà nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của Bộ Xây dựng trong những năm qua, nhất là trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng khối lượng lớn các luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư liên quan, tạo nền tảng cho công tác quản lý điều hành chung cũng như của ngành.
Đánh giá cao số nhiệm vụ quá hạn của Bộ Xây dựng không nhiều (4 nhiệm vụ), nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý “số nợ không nhiều nhưng không phải không quan trọng, nhất là liên quan thể chế”; đừng để doanh nghiệp, địa phương xếp hàng về Bộ Xây dựng mà cần phân cấp.
“Thủ tướng nói với chúng tôi đừng để nhà đầu tư, nhà thầu luồn lách quy hoạch, điều chỉnh giá thầu…” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết và đề nghị Bộ Xây dựng sâu sát, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để tránh “lãng đi một cái là thiệt hại rất lớn, trong khi địa phương chỉ biết chấp hành thôi”.
Bộ cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cách tư duy, tiếp cận và “cái gì cần phối hợp thì Bộ cứ đề xuất, chúng tôi sẵn sàng phối hợp cùng Bộ trên tinh thần làm việc hiệu quả, cởi mở, tiết kiệm thời gian”./.
Chủ nhiệm VP Chính phủ: “Không thay đổi được thì thay con người“