Thủ tướng: Phải cấp bách tìm kiếm hơn 40 người còn mất tích do bão lũ
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp xử lý những vấn đề cấp bách hiện nay, nhất là tìm kiếm hơn 40 người còn mất tích, nguy cơ nhiều người dân vẫn còn màn trời chiếu đất, một số nơi tiếp tế lương thực khó khăn.
Sau chương trình kiểm tra khắc phục hậu quả bão, lũ vào sáng nay (1/11) tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, chiều nay, tại Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9 vừa rồi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau bão số 8, Thủ tướng đã chủ trì một buổi làm việc với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Với bão số 9 gây thiệt hại hết sức nặng nề, sạt lở đất gây chết người nghiêm trọng, ngư dân mất tích trên biển, Thủ tướng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế và làm việc với các địa phương và chỉ đạo các giải pháp cần thiết và tiếp tục làm việc với các tỉnh bị thiệt hại do bão.
Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương quan tâm đặc biệt đến tính mạng, tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp xử lý những vấn đề cấp bách hiện nay, nhất là tìm kiếm hơn 40 người còn mất tích, nguy cơ nhiều người dân vẫn còn màn trời chiếu đất, một số nơi tiếp tế lương thực khó khăn, giao thông bị ách tắc, học sinh chưa thể trở lại trường học. Điều này càng bách hơn khi bão số 10 đe dọa đổ vào nước ta.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để đề phòng, khắc phục, xử lý kịp thời hơn để ổn định đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án khắc phục tình hình khó khăn rất lớn hiện nay.
Theo Thủ tướng, bão lũ lớn, địa chất thay đổi chúng ta phải xử lý lâu dài về quy hoạch. Đây là câu hỏi lớn để bảo vệ an toàn của người dân trong tương lai đặt ra với với các cấp chính quyền và địa phương. Và dù chưa thể giải quyết ngay được nhưng các địa phương, bộ, ngành cũng phải nêu được định hướng để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các phương án về dài hạn, thay vì “nóng đâu phủi đó”. Trên tinh thần giải quyết tình hình cấp bách nhưng phải định hướng lâu dài trong việc đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân. Cùng với đó, cần thảo luận biện pháp để các khoản hỗ trợ từ xã hội, các nhà hảo tâm đến với người dân bị thiệt hại một cách hiệu quả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cơn bão số 9 có lưu bão tới 6 tiếng trong ngày 28/10 vừa rồi, tâm bão tại tỉnh Quảng Ngãi với sức gió cấp 11-12, giật cấp 14-15. Đây là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Bão và hoàn lưu sau bão khiến 29 người chết, 51 người mất tích. Số người chết lớn nhất là tại Quảng Nam với 23 người và hiện còn 24 người mất tích. Có 23 người mất liên lạc trên hai tàu cá tại Bình Định. 10 người chết, mất tích tại các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.
Thiệt hại về tài sản cũng rất lớn với gần 730 nhà sập hoàn (chủ yếu tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. Ngoài ra còn có gần 177.000 ngôi nhà hư hỏng, chủ yếu là Quảng Ngãi với 140.000 nhà, còn lại là Quảng Nam. Ước tính, thiệt hại về tài sản lên đến 10.000 tỷ đồng.
Hiện nay các lực lượng chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm 23 ngư dân mất tích trên biển và mất tích do sạt lở đất. Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng đứng đầu, đến nay đã có trên 66.100 lượt cán bộ, chiến sĩ, trên 1.700 phương tiện tham gia giúp dân ứng phó bão, cứu hộ, cứu nạn.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là tìm kiếm cứu nạn người mất tích. Tập trung cứu hộ để không có người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm. Tập trung khắc phục các công trình, cơ sở hạ tầng hư hỏng, như: điện, nước, giao thông, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà dân sập đổ hư hỏng…
Các tỉnh đang đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 2.500 tấn gạo; hỗ trợ lọc nước, hóa chất khử trùng; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa bão./.