Thủ tướng: Phải lên rừng, xuống biển để trực tiếp tháo gỡ khó khăn của đất nước, nhân dân
VOV.VN - Quán triệt các nội dung của Chiến lược và Phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện.
Sáng nay (28/3), tại trụ sở Quốc hội, tiếp tục diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo sự phân công của Ban Bí thư, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề thứ 3 với nội dung: Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Tô đậm thành quả 35 năm đổi mới
Tại hội nghị này, bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày các nội dung trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025); thứ ba là tổ chức thực hiện.
Theo đó, trong phần đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng nêu vấn đề xác định vị trí của Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển. Từ đánh giá của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng nhắc lại, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Thành quả đó góp phần tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả đó là sự tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả đó có ý nghĩa hơn khi bắt đầu thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm qua, đất nước ta gặp nhiều khó khăn lớn hơn dự báo.
Thủ tướng nêu rõ: "Trước tình hình ấy, quốc tế và trong nước như vậy, 10 năm qua và nhiều 5 năm vừa qua, phương châm hành động của chúng ta đã triển khai là, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, không chỉ là phương châm hành động, đây là bài học kinh nghiệm cho sự thành công. Đoàn kết hệ thống chính trị, đoàn kết các nhánh quyền lực dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ đoàn kết mà niềm tin nhân dân, và các kết quả cụ thể của nhân dân thì niềm tin vào Đảng và Nhà nước chúng ta hết sức mạnh mẽ. Từ quyết tâm đoàn kết ấy chúng ta đưa ra giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả, với những biến động tình hình trong nước, quốc tế kịp thời, nhờ đó đạt thành tựu quan trọng. Tôi muốn nói đến sự toàn diện từ sự đoàn kết ấy, đó là đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam được nâng lên rõ nét, đặc biệt niềm tin người dân vào chế độ nâng lên, uy tín quốc tế nâng cao, nền tảng phát triển đất nước cho thời gian đến đã được chuẩn bị và khẳng định. Chúng ta là 1 trong 16 nên kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới với mục tiêu kép".
Thủ tướng cũng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII đã đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm qua đạt 5,95%. Năm ngoái dù đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép. Đặc biệt chất lượng tăng trưởng được cải thiện với đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 33,6% giai đoạn 2011-2015 và tăng lên 45,7% giai đoạn vừa qua. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,9%, cao hơn mức 5 năm trước đó ở mức 4,3%. Đến nay, nước ta có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. GDP bình quân đầu người nước ta đứng thứ 4 ASEAN. Riêng 5 năm qua, đã tạo ra 1.300 tỷ USD, giải quyết được 8 triệu việc làm.
"Các định chế tài chính lớn từ Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới rồi các tổ chức xếp hạng tên tuổi thế giới đều khen Việt Nam. Nhưng mà quan trọng nhất là từ này chúng ta quyết tâm khát vọng làm được việc lớn hơn để xứng danh một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, đoàn kết quyết tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên phải thấy được những tồn tại bất cập mà tôi đã trình bày trên khắc phục trong dài hạn cũng như trong trung hạn. Tôi nói ví dụ như chúng ta có thể đứng thứ nhì ASEAN không về quy mô nền kinh tế?. Có khả năng này nếu chúng ta quyết tâm. Ngay thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khát vọng đến cuối năm 2025 xuất khẩu trên 70 tỷ USD, các địa phương đều khát vọng này có phải là đóng góp vào sự phát triển chung. Tôi nói tiếng khen, lời khen chẳng còn nếu chúng ta không quyết tâm phấn đấu để xứng đáng với những đánh giá của thế giới", Thủ tướng nêu rõ.
Đoàn kết sẽ có tất cả
Trên cơ sở những kết quả đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, bộ, ngành, địa phương đều cần quán triệt một số bài học quan trọng, trong đó việc bảo đảm mối tương quan hợp lý, hài hoà giữa tăng trưởng và ổn định; kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế. Đặc biệt là phải quán triệt bài học đoàn kết.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải thực sự coi trọng phát triển văn hoá, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế. Coi giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu cho phát triển đất nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong phát triển đất nước trên tinh thần đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là tất cả, không đoàn kết mất tất cả. Không phải chỉ xây dựng Đảng, mà cả kinh tế xã hội, kể cả phát triển địa phương và ngành. Mọi việc bất thành khi chúng ta không đoàn kết nhất trí. Tôi nói bài học này để cả cấp ủy chính quyền các cấp của chúng ta".
Quán triệt những nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng nhắc lại chủ đề của Chiến lược là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để quán triệt chủ đề này, Thủ tướng nhắc đến 3 thành tố trọng tâm: "Một là động lực tinh thần và sự quyết tâm làm sao khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh của thời đại. Đây là một điểm rất mới trong dự luật lần này. Tới đây với các cấp, các đồng chí từ xã, huyện đến tỉnh có mặt trên hội trường này cùng các đồng chí lãnh đạo. Tôi xin nói rằng, khát vọng phát triển đất nước này đến từng người dân và cơ sở thì mới thành công. Thành tố thứ hai là cách thức, phương tiện chủ yếu, đó là huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành tố thứ ba là mục tiêu phấn đấu: Phấn đấu đến 230 là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu lớn, có trách nhiệm cao. Tôi xin nói, ta không phấn đấu mục tiêu này, đất nước lạc hậu, nếu chúng ta có chủ trương, biện pháp tốt, có tính khả thi cao vì những mục tiêu này là có cơ sở khoa học, tính toán bằng số học, bằng máy tính".
Theo đó, những mục tiêu cơ bản được nêu trong Nghị quyết là đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, 7.500 USD/người và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao, 18.000 USD/người. Trong 5 năm tới (2021 – 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là các mục tiêu có đủ căn cứ khoa học. Bên cạnh những thuận lợi, thì đất nước cũng phải vượt qua nhiều thách thức, lớn nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình. Muốn vượt qua thách thức này, điều quan trọng chính là yếu tố chủ quan.
Yếu tố chủ quan, theo Thủ tướng, đó là tinh thần ý chí quyết tâm khát vọng vươn lên sự đoàn kết đồng thuận của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Tinh thần dân tộc ta, cán bộ đảng viên chúng ta đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước. Không có đảng bộ nào, không có tỉnh thành nào không có quyết tâm đưa đất nước tiến lên. Đó là một truyền thống quý báu không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu, không chịu thua kém. Nguyện vọng đó cũng là nguyện vọng của Bác Hồ, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, của dân tộc ta. Tất cả điều đó cũng là sự hiện thực hóa ước nguyện của Bác, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu và mang lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Chính vì thế mà chúng ta thực hiện mục tiêu tổng quát này.
Nhắc lại 11 chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế và 4 chỉ tiêu về xã hội, mội trường đã được nêu trong chiến lược, Thủ tướng cho rằng, việc Nghị quyết xác định tăng trưởng kinh tế cao, đạt bình quân 7% giai đoạn 2021-2030 là có cơ sở khoa học và rất cần thiết.
"Áp lực của chúng ta liên tục tăng trưởng cao. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, hai, ba thập kỷ liền đã liên tục tăng cao. Việt Nam chúng ta hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao. Chúng ta không có biện pháp tăng trưởng cao thì chúng ta tụt hậu dẫn đến phát triển không bền vững, nghèo, thu nhập thấp và lạc hậu. Thứ hai nữa là các mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, không thể nói chất lượng cuộc sống tốt nếu như tăng trưởng không cao và ngược lại. Cho nên chúng ta phải biết tinh thần là đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển của mọi người dân và cơ sở trong thực hiện các mục tiêu các chỉ tiêu. Cho nên tăng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết. Năm nay chúng ta tăng từ 6,5%, nhưng sắp tới phải 8-9%", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên quan điểm phát triển hài hòa, mọi người dân đều hưởng thành quả của tăng trưởng và phát triển, Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết đặt các chỉ tiêu quan trọng về xã hội, môi trường, trong đó tuổi thọ bình quân cao và sống hạnh phúc, phấn đấu đạt 74,5 tuổi vào năm 2025 và 75 tuổi vào năm 2030.
Và để thực hiện được các mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược đã được nêu trong Chiến lược là: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, về đột phá thể chế, Thủ tướng phân tích: "Thể chế phải bao gồm cả chủ trương, chính sách, pháp luật và cả thể chế về bộ máy. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng đây chính là yếu tố quan trọng nhất tạo động lực phát triển. Tôi cũng nói ý là trong thành công hay thất bại của Chính phủ có vai trò của Đảng, của Quốc hội, trước hết là thể chế và những chủ trương quan trọng. Tổng Bí thư đã nói, một chủ trương, hai là bố trí cán bộ và ba là kiểm tra. Vậy thì những chủ trương mà chúng ta đưa đến thành công, những chủ trương đó cũng thuộc những thể chế tổng quát, sau đó chúng ta cụ thể hóa bằng pháp luật. Một số nội dung trọng tâm của các thể chế, đầu tiên thể chế là tôn trọng và thực thi Hiến pháp 2013, đó là quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và thể chế hướng vào người dân, lo cho dân, bảo vệ và phát triển đất nước chúng ta".
Cùng với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, Thủ tướng cũng quán triệt các nhiệm vụ khác trong Chiến lược nêu như phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển. Trong đó, Thủ tướng thông tin thêm là đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 1 cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển. Nhiệm vụ khác là phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai…
Chương trình 1, hành động 40
Nêu các nội dung của Nghị quyết cần quán triệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung tổ chức thực hiện.
Việc thứ nhất là phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó có việc Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý chức năng, nhiệm vụ được giao và đi liền với nó là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Chương trình 1, biện pháp 10, kiểm tra, đôn đốc 20, thúc đẩy hành động 30, 40. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ vướng mắc khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp. Bởi thể chế không thể bao phủ hết các công việc, nên phải lên rừng, xuống biển để tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn của đất nước, của cơ sở, của người dân. Phải tiếp dân xử lý vấn kiến nghị công dân, chứ không phải mọi việc có sẵn thể chế đâu, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó là chú trọng cơ chế đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với quy định rõ về khen thưởng, kỷ luật cán bộ, tổ chức Đảng, chính quyền. "Năm thứ nhất anh làm được gì, năm thứ hai anh làm được gì, giữa kỳ 5 năm tới anh làm được gì mà theo khái niệm của tổ chức là phải có sản phẩm thì mới đánh giá cán bộ tốt hay không tốt, chứ không phải hết mùa Xuân đến mùa Đông, nước chảy bèo trôi, không có sản phẩm nào. Tôi thấy rất mừng sau Đại hội lần này có rất nhiều cấp ủy hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm, lo lắng đến công việc của địa phương mình, bộ mình, ngành mình. Và đặc biệt vai trò của người đứng đầu một cách công khai, minh bạch. Chúng ta đang nói vấn đề bộ máy, vấn đề con người thì chúng ta muốn nói ý chí khát vọng của bộ máy con người ấy đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy mà cần có kế hoạch cụ thể kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện. Tôi muốn nói một ý nữa, khi xuất hiện một vấn đề cần đổi mới, cần báo cáo cấp có thẩm quyền trình Trung ương, Bộ Chính trị quyết định thực hiện thí điểm trong áp dụng pháp luật và vận dụng pháp luật", Thủ tướng phân tích thêm./.