Thủ tướng: Phải tự rút lui khi thấy không đủ khả năng
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm của mình, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án.
Chiều 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về việc tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại giá trị khoảng 82,6 tỷ USD, trong đó vốn vay là 74,9 tỷ USD.
Hiện có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân là trên 21 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2017 – 2020 là gần 17,5 tỷ USD. Muốn vậy, giai đoạn này, mỗi năm cần giải ngân bình quân 4,37 tỷ USD. Ước tính năm nay, số vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD.
Tại cuộc họp, cùng với việc bàn giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi năm nay, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất định hướng thu hút và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi cho cả giai đoạn 2017 – 2020 rõ hơn. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tìm kiếm nguồn lực. Những bất cập trong điều hành, quản lý vốn ODA thời gian qua cũng đã được thảo luận tìm biện pháp khắc phục.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và phần lớn đã sử dụng có hiệu quả. Nhiệm vụ cần làm là bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017 – 2020, đặc biệt là năm 2017. Giải ngân vốn đầu tư công: 6 tháng ì ạch mới được 25,6% kế hoạch
Trước thực tế nửa đầu năm nay cả nước chỉ giải ngân được 1,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đạt 32,6% kế hoạch, Thủ tướng chỉ đạo, những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ và các địa phương để giải ngân hết số vốn kế hoạch. Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm của mình, phải tự rút lui khi thấy khả năng của mình không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.
Bên cạnh vướng mắc đã gặp phải như năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành thì vấn đề thay đổi dự toán, một số dự án thiếu vốn ngoại cũng là vấn đề cần quan tâm, nhất là về thủ tục đầu tư xây dựng.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án và ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017. Theo đó, những ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh hoặc cắt vốn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần lập danh sách các dự án cần giải ngân trong năm 2017 mà thiếu vốn, không thuộc phạm vi giải quyết của Chính phủ, để báo cáo Thường vụ Quốc hội bổ sung các danh mục, cân đối bổ sung vốn ngoại trong kỳ họp Quốc hội sớm nhất.
Thủ tướng chủ trì phiên họp về việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi |
Với các bộ, ngành, địa phương, cần chỉ đạo sát sao hơn nữa các cơ quan thực hiện dự án ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là những dự án kết thúc trong năm 2017 – 2018, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện, hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do nguyên nhân chủ quan. Cùng với đó là phối hợp với nhà tài trợ xây dựng, rà soát lại kế hoạch vốn hàng năm phù hợp với nhu cầu giải ngân, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp.
Thủ tướng chỉ đạo tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý, đặc biệt không để kéo dài. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định thầu các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.
Liên quan đến việc điều chỉnh chính sách, Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt; ủy quyền cho phép các bộ, ngành địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn hoặc đề nghị điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn được giao phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Việc phân cấp ủy quyền phải đúng thẩm quyền.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở giảm thủ tục hành chính và chi phí phát sinh, Thủ tướng yêu cầu Bộ nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật Đầu tư công về quy trình riêng áp dụng đối với dự án ODA và vay ưu đãi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành hướng dẫn quy trình giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó quy định bắt buộc khi thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thì phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng tổng thể và kế hoạch vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nghiên cứu để kiến nghị bổ sung quy định chỉ ký hiệp định vay ODA và vốn vay ưu đãi khi dự án đã có kế hoạch cân đối đủ nguồn cho chi phí giải phóng mặt bằng hoặc một phần, căn cứ vào tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng phối hợp rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị. Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức có liên quan để đầu tư, xây dựng, vận hành và triển khai đường sắt đô thị tại Việt Nam. Tổng hợp, thống kê suất đầu tư các dự án đường sắt đô thị trên thế giới, khu vực, quy mô, mặt bằng giá để làm cơ sở cho việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi có thể thành lập một số đoàn kiểm tra, kịp thời báo cáo Thủ tướng những biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt đối với một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0./../.