Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu

VOV.VN - Chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

Nội dung cuộc làm việc nhằm đánh giá kết quả phát triển KTXH năm 2022 và định hướng thời gian tới; giải quyết kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ Bạc Liêu phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, năm 2022 tỉnh Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực ĐBSCL, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh 9 tháng năm 2022 tăng trưởng cao 9,26%, ước cả năm tăng 9,6%, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng cao ở mức 15,6% và 13,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống của người dân được nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; Quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Bạc Liêu cũng nêu rõ những tồn tại hạn chế như quy mô kinh tế còn nhỏ; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư còn hạn chế, nhất là vốn FDI. Tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, ven biển diễn biến phức tạp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các mục tiêu mà tỉnh đề ra, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương, tất cả vì một Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, hài hòa và bền vững, tất cả vì người dân Bạc Liệu được ấm no và hạnh phúc.

Thủ tướng đã phân tích tiềm năng thế mạnh, những tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bạc Liêu cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bạc Liêu trở thành một động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL, sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia và trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; phát huy thế mạnh của tỉnh để triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ. Chú trọng phát triển toàn diện kinh tế biển.

Đặc biệt về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục thực hiện liên kết Vùng, tập trung các sản phẩm chủ lực như tôm, gạo... cùng với xây dựng, quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất sứ. Chú ý nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững; kiên quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Xây dựng nông thôn mới trên quan điểm nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Về công nghiệp tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo theo hướng đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông sản chủ lực.

Về du lịch tập trung nâng cao chất lượng, tính đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gia tăng giá trị trải niệm của khách du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá thương hiệu. Chú trọng phát triển kinh tế đêm; tính liên kết du lịch trong vùng và với cả nước, đặc biệt với các trung tâm du lịch TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội...

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, chú trọng công tác quy hoạch để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết, kiên định, kiên trì giải ngân 100% theo đúng kế hoạch, tạo nền tảng quan trọng thu hút đầu tư. Thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh. Tăng cường đối thoại và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Phát triển KTXH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội (nhất là dịp Tết sắp tới). Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút và giữ chân nhân tài.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển KTXH.

Về các kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời
Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

VOV.VN - Theo Thủ tướng, cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

VOV.VN - Theo Thủ tướng, cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả

Thủ tướng khảo sát một số dự án trọng điểm tại Bạc Liêu
Thủ tướng khảo sát một số dự án trọng điểm tại Bạc Liêu

VOV.VN - Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Thủ tướng khảo sát một số dự án trọng điểm tại Bạc Liêu

Thủ tướng khảo sát một số dự án trọng điểm tại Bạc Liêu

VOV.VN - Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.