Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
VOV.VN - Thủ tướng mong muốn Quảng Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh...
Chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam để đánh giá kết quả phát triển KTXH năm 2021 và quý I năm 2022 và định hướng thời gian tới; giải quyết kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ Quảng Nam phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; các Bộ trưởng: Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, cùng lãnh đạo các bộ ban ngành, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục khó khăn, thử thách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đạt được kết quả tích cực.
GRDP tăng 5,04% xếp thứ 2 khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp 31 cả nước, trong đó ngành công nghiệp tăng cao ở mức 20,63%; Là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi: Chỉ số PCI xếp thứ 13 trong cả nước; Đời sống của người dân được nâng cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách
Quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Quý I năm 2022, các hoạt động SXKD, kinh tế, xã hội của địa phương diễn ra trong trạng thái bình thường mới và có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 8,3 nghìn tỷ đồng, đạt 37% dự toán Trung ương giao tăng 15% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công dự kiến quý I đạt 15% kế hoạch; tích cực triển khai Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh, an toàn, đối ngoại được đảm bảo.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các mục tiêu mà tỉnh đề ra, đã thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương, nâng cao đời sống người dân, cũng như đóng góp kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng đã phân tích những tiềm năng lợi thế, cơ hội phát triển và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và điểm nghẽn.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.
Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất cao; bộ máy hành chính liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
Tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của Tỉnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, khó khăn thành động lực.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Quảng Nam thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP và Nghị quyết 38/NQ-CP, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII với trọng tâm là phát triển vùng Đông Nam và 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về đột phá về kết cấu hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Nam tập trung hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Chu Lai gắn với logistics; hệ thống giao thông kết nối trong tỉnh, khu vực.... Rà soát, đánh giá và kịp thời xử lý vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về nguồn nhân lực, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển KTXH, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới cơ chế khuyến khích, thu hút, sử dụng hiệu quả, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số. Tăng cường đối thoại và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhận thức rõ hơn về tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh; dựa trên các nguyên tắc trọng tâm như: mang tính khác biệt, đột phá, toàn diện và bền vững, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt; có sản phẩm tốt mới thúc đẩy phát triển KTXH; có phát triển KTXH mới đạt được các mục tiêu đã đề ra và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, nhất là đất đai, con người, truyền thống văn hóa lịch sử; đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng hạ tầng trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, tại vùng biên giới, tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Phát triển KTXH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển KTXH.
Về các kiến nghị của tỉnh Thủ tướng giao các bộ ngành phối hợp giải quyết tạo điều kiện tốt nhất để tỉnh phát triển./.