Thủ tướng phát biểu tại Đối thoại "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu"
VOV.VN - Chiều 16/1/2024 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.
Đây là một trong tám Phiên đối thoại với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ được WEF tổ chức tại Hội nghị Davos năm nay, thể hiện sự quan tâm, đánh giá tích cực của WEFvà các thành viên đối với vai trò, vị thế quốc tế, thành tựu, tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam. Phiên đối thoại chính sách của Thủ tướng Chính phủ được WEF đề xuất, xác định là một phiên điểm nhấn tại Hội nghị.
Phiên đối thoại diễn ra vào thời điểm then chốt, giúp thúc đẩy quan hệ với các đối tác và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, là thành viên trách nhiệm và là hình mẫu trong nhiều mặt, lĩnh vực của cộng đồng quốc tế.
Phiên đối thoại có sự tham dự trực tiếp của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, 100 lãnh đạo, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp là thành viên của WEF. Nhà bình luận nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman, Tạp chí New York Times, tác giả cuốn sách Thế giới phẳng, là người điều phối Phiên đối thoại.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tới tham dự Hội nghị WEF Davos. Nhà sáng lập WEF đánh giá Việt Nam không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á mà còn đang trong quá trình chuyển đổi thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới.
"Tôi nghĩ sự hiện diện của ngài ở đây là hết sức quan trọng từ khi ngài trở thành Thủ tướng của Việt Nam thì Việt Nam trải qua rất nhiều chính sách chuyển đổi, trở thành một cường quốc với một nhiệm vụ hết sức rõ ràng và cụ thể, tạo ra một nền kinh tế xanh và nền kinh tế thông minh. Bên cạnh đó, nếu mà nhìn vào những con số thống kê thì hiện nay Việt Nam không chỉ là một ngôi sao trong khu vực Đông Á mà thực sự ở cấp độ toàn cầu. Nếu chúng ta nhìn về tốc độ tăng trưởng vốn vẫn đang diễn ra và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác và chắc chắn tôi nghĩ rằng Việt Nam thì đang trong quá trình trở thành một trong những tác nhân hết sức quan trọng của nền kinh tế toàn cầu do đó, tôi rất vinh dự khi có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính"- Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm với Giáo sư Klaus Schwab, ông Thomas Friedman cho rằng Việt Nam là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Với vai trò người điều phối, ông bày tỏ mong muốn được lắng nghe về kinh nghiệm, định hướng phát triển và đóng góp cho giải quyết các vấn đề toàn cầu của Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Thủ tướng khẳng định một số định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thứ nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thứ hai, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thứ ba, kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không". Thứ tư, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá còn thì dân tộc còn.
Nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong chặng đường gần 40 năm Đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thành công đó có được là nhờ có 05 bài học kinh nghiệm lớn. Một là, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hai là, coi nhân dân là người làm nên lịch sử. Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Năm là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng chia sẻ 2 gợi ý cho các quốc gia. Thứ nhất, xác định nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Thủ tướng đề cao vai trò của đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thứ hai, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Theo đó, người dân cần được trực tiếp tham gia và thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt ông Thomas Friedman cũng đã đặt câu hỏi làm sao để Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn nhấn là Mỹ và Trung Quốc.
"Rất nhiều các quốc gia đang phát triển nhìn vào phía Việt Nam và họ nhận thấy một điều khá khác lạ. Họ nhìn thấy một quốc gia mà đã chiến tranh chống lại cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được thế cân bằng mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa tới thăm Việt Nam và sau đó thì Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thăm Việt Nam 2 quốc gia hết sức mạnh vậy thì Việt Nam làm sao có thể làm được điều đấy bí quyết của Việt Nam bí mật của Việt Nam là gì?" - ông Thomas Friedman chia sẻ
Trả lời câu hỏi của nhà bình luận Thomas Friedman về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn, Thủ tướng cảm ơn ngài Thomas Friedman đã có một câu hỏi rất thú vị. Thủ tướng chia sẻ, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 dân tộc đau thương, mất mát nhất là dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, trải qua tất cả những cung bậc xấu nhất và có thể tồi tệ nhất sau đại chiến thế giới lần thứ 2, đó là Việt Nam phải tham gia chống phát xít ngay sau khi đất nước độc lập vào năm 1945, sau đó chúng tôi phải chống đỡ với chủ nghĩa thực dân và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu năm 1954. Do đó có Hiệp định Genève chia đôi đất nước thành hai.
"Khi mà Hiệp định Genève xác định hòa bình Việt Nam thì lại chỉ có miền Bắc, miền Nam lại phải rơi vào cuộc kháng chiến chống thực dân mới đế quốc. Sau 30 năm chiến tranh, chúng tôi giành được độc lập thống nhất đất nước vào năm 1975, một điều bất ngờ là chúng tôi không ngờ đến lại đương đầu với chủ nghĩa diệt chủng Pôn pốt chống lại loài người và sau đó là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vào cuộc chiến tranh Phía bắc và thế giới thì không hiểu chúng tôi lại bao vây cấm vận chúng tôi mất hơn 10 năm và đến năm 1986 thì chúng tôi mới hết cấm vận và chúng tôi mới tiến hành công cuộc đổi mới. Tôi nói như vậy để thấy sự hy sinh mất mát của người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không quên quá khứ và đấy là một phần của lịch sử, nhưng chúng tôi phải gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, khai thác tương đồng, và hướng đến tương lai và Việt Nam có thể là một hình mẫu về khắc phục và khôi phục hậu quả chiến tranh và từ cựu thù chúng tôi đã trở thành những người bạn, 2 đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc thì không những là bạn người mà còn là người đồng chí, với Mỹ thì là người bạn chiến lược toàn diện và chúng tôi hoàn toàn hướng đến tương lai. Đây có thể nói là một hình mẫu về khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh… và xác định đây vừa là yêu cầu, xu thế khách quan và vừa là lựa chọn chiến lược. Trong lĩnh vực bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng thông tin và đang có kế hoạch đào tạo 50 nghìn đến 100 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian sắp tới. Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá mọi vấn đề đều có tính hai mặt, cho biết Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư và tăng cường, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển 03 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh, trên cơ sở phát huy tối đa lòng tin, hy vọng và quyết tâm của hai bên và mong muốn các doanh nghiệp gắn sản xuất, tiêu dùng với nghiên cứu và đào tạo.
Thủ tướng chia sẻ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu, nhấn mạnh cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Theo đó, Thủ tướng cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động nâng cao khả năng thích ứng với sạt lở, hạn hán, thiên tai, đồng thời, triển khai sáng kiến mới về phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, để vừa phù hợp với xu thế phát triển bền vững, vừa phát huy vai trò quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận được sự đánh giá rất cao của các đại biểu tham dự phiên đối thoại, bao gồm nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Phiên đối thoại được tổ chức với hình thức mở, tương tác trực tiếp với một nhà bình luận quốc tế hàng đầu thế giới và truyền tải trên nhiều nền tảng truyền thông trực tuyến, qua đó, giúp lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi thông điệp về một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới.