Thủ tướng: "Quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3"
VOV.VN - Phát biểu tại hội nghị thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra vào sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 vì tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào, vì cuộc sống của nhân dân.
Tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra.
Thủ tướng đánh giá, siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với các yếu tố như: cường độ rất lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; đối tượng tác động nhiều; thời gian oanh tạc dài trên đất liền trên diện rộng; gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.
Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra như lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập…; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão tại Hải Phòng.
Các cơ quan, lực lượng đã hướng dẫn hơn 50.000 tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức sơ tán khoảng 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu; sơ tán, di dời khoảng 80.000 hộ dân với trên 130.000 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn. Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Thủ tướng xúc động, bật khóc khi chia sẻ về những thiệt hại, mất mát quá to lớn khi hàng ngày hằng giờ báo cáo về thiệt hại sau bão vẫn đang thay đổi: "Hiện nay có khoảng 350 người chết và mất tích. 2000 người bị thương đặc biệt là Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh; về tài sản bão lũ đã làm khoảng hơn 230.000 nhà ở và nhiều trụ sở trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị bốc mái, bị hư hỏng… Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng, mất mát không bao giờ bù đắp được."
Thủ tướng cho biết, với tinh thần tương thân tương ái, là lành đùm lá rách, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với tổng số tiền đến nay là trên 1.000 tỷ đồng. Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ.
Thủ tướng đã chỉ rõ 4 bài học kinh nghiệm trong đó nhấn mạnh, phải bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với "3 trước, 4 tại chỗ" trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chúng ta cần quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 vì tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào vì cuộc sống của nhân dân với mục tiêu là: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Thủ tướng đã chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sắp tới trong đó nêu rõ, Thứ nhất, nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão, gồm: Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau.
Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân. Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.
Thứ hai, nhóm 8 giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân, gồm: Rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn.
Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số; giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng.
Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.
Thứ ba, về nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Thứ tư, về nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát Thủ tướng yêu cầu, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi; tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện; Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án chống hạn mặn, sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án khảo sát, đánh giá, phòng chống sạt lở trên cả nước; Các cơ quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích một số ngành, lĩnh vực có thể phát triển bứt phá, tăng tốc như các ngành chíp bán dẫn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính...
Nhóm nhiệm vụ thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nhóm nhiệm vụ thứ sáu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn nói trên. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, phát huy tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp, tất cả vì nhân dân, vì đất nước".