Thủ tướng: Sớm đưa Sơn La thành một động lực tăng trưởng của Tây Bắc
VOV.VN - Thủ tướng gợi ý, Sơn La phải tập trung cho xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và nâng cấp, cải tạo sân bay Nà Sản.
Chiều ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Lao động Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh; Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo của Tỉnh ủy Sơn La tại buổi làm việc cho biết, trong năm 2021, GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 2,2%, trong đó nông lâm nghiệp, thủy sản là điểm sáng tăng 7,19%, cao hơn kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đạt 45,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,1 triệu so năm 2020; thu ngân sách đạt 4.250 tỷ đồng, bằng 120,2% dự toán Trung ương giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,8% số vốn đã phân bổ. Xuất khẩu đạt 161 triệu USD, tăng 43,9%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,28%, còn 15,1%...
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững. GRDP quý I tăng 5,02%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,83%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,9%, xuất khẩu tăng 3,2%, giải ngân thanh toán bằng 25% kế hoạch vốn giao...
Tỉnh Sơn La đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề như: Cho phép đầu tư theo hình thức đầu tư công và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quản chủ quản thực hiện đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; cho phép đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản là sân bay lưỡng dụng theo phương thức đối tác công tư, giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án; nghiên cứu, xem xét đề xuất mở rộng, nâng công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La từ 2.400 MW lên 3.200MW; cho phép tỉnh Sơn La được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng; các đề xuất liên quan xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La; cho phép tỉnh Sơn La được bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án thu hút đầu tư được kịp thời.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế và kết quả mà tỉnh Sơn La đã đạt được. Lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Sơn La; khẳng định sẵn sàng phối hợp với tỉnh để xử lý, giải quyết hiệu quả khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá thời gian qua tỉnh đã “thay da đổi thịt” rất nhanh, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn đứng thứ 5 cả nước, cần đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá, rất nhiều loại cây ăn trái từ nơi khác có thể phát triển tốt với chất lượng cao tại Sơn La, đề nghị tỉnh cần quan tâm công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quan tâm đổi mới công nghệ và bảo quản, chế biến sau thu hoạch…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ấn tượng đầu tiên với Sơn La là tỉnh có điều kiện thiên nhiên, con người, văn hóa – lịch sử tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh.
Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai với diện tích tự nhiên 14.000 km2, lớn thứ 3 của cả nước, dân số đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố; thiên nhiên hùng vĩ, xứ sở của núi rừng, thảo nguyên; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc Tây Bắc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, người dân yêu nước, một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung, tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; đạt nhiều kết quả tích cực về phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội…
Đặc biệt, tỉnh có bước bứt phá trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi. Trong đó, việc phát triển cây ăn quả, “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là thay đổi tư duy quan trọng, cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Tỉnh cũng làm tốt công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo chuyển biến, thay đổi rất rõ tại cả nông thôn và thành thị. Tỉnh giữ vững đoàn kết, thống nhất; phối hợp tương đối tốt với các bộ ngành, địa phương; làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Sơn La đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước. Thủ tướng cũng ghi nhận tỉnh Sơn La và các cơ quan liên quan đã tổ chức tốt Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam lần thứ 4.
Bên cạnh những kết quả mà tỉnh đạt được, Thủ tướng cho biết trăn trở đầu tiên với Sơn La là hạ tầng giao thông còn rất khó khăn, việc kết nối giao thông với các địa phương khác và với cả nước gần như không thay đổi trong nhiều năm qua.
Tỉnh phát triển chưa tương xứng và cơ chế, chính sách còn hạn hẹp so với tiềm năng, lợi thế lớn. Các thế mạnh chưa được phát huy hết. Việc huy động nguồn lực đầu tư xã hội cho phát triển còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế…
Về quan điểm chỉ đạo thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, trong đó có các nghị quyết sắp được ban hành về đất đai, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về kinh tế tập thể, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong công việc, cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thực tiễn; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, chọn những việc có tác động lan tỏa, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó. Ví dụ trong phát triển hạ tầng, Thủ tướng gợi ý, tỉnh phải tập trung cho xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và nâng cấp, cải tạo sân bay Nà Sản.
Thủ tướng lưu ý tỉnh chú trọng tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, tồn tại, hạn chế, bất cập, phát huy kết quả đạt được, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Thủ tướng nêu rõ một số định hướng lớn với Sơn La thời gian tới là phải phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở thành quả đã đạt được về tái cơ cấu nông nghiệp; khai thác tối đa yếu tố con người, phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống; thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đổi mới tư duy và cách làm.
Người đứng đầu Chính phủ nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, đồng thời lưu ý với tỉnh Sơn La và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề trọng tâm.
Trước hết, phải tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19; triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Quyết liệt hơn nữa triển khai công tác quy hoạch để quy hoạch đi trước một bước với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nhận diện và phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được những khó khăn, thách thức, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo động lực mới cho tỉnh, đưa Sơn La phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành một động lực tăng trưởng của khu vực Tây Bắc.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mà Sơn La đã làm tốt, huy động được sức mạnh của người dân và doanh nghiệp, tạo được thương hiệu trong thời gian qua.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp để công nghiệp hóa nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, gắn với xây dựng thương hiệu, kết nối hiệu quả với các lĩnh vực. Chú trọng phát triển bền vững thủy điện, nghiên cứu phát triển điện mặt trời, điện gió, kết hợp với giữ nước, giữ rừng, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát triển đột phá du lịch sớm trở thành ngành mũi nhọn, tập trung thu hút đầu tư các khu du lịch (Mộc Châu, hồ Thủy điện Hòa Bình, Quỳnh Nhai, Bắc Yên), với các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp, có thương hiệu.
Rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, giáo dục, hạ tầng du lịch. Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư; quản lý chặt chẽ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sớm nâng hạng về các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, chính sách xã hội, quyết tâm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, các di sản, di tích. Tập trung đầu tư giáo dục, y tế. Đặt con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Tỉnh muốn phát triển nhanh phải dựa trên sự tiến bộ mạnh mẽ về con người, nhất là đồng bào dân tộc, Thủ tướng nêu rõ.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát huy cao nhất lợi thế về đất đai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển đô thị, khu dân cư thích ứng với thiên tai.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với với các địa phương của Lào, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển.
Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo yêu cầu của Trung ương.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Sơn La. Theo đó, Thủ tướng đồng ý chuyển hình thức đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu từ PPP sang hình thức đầu tư công, thống nhất giao UBND tỉnh là cơ quan chủ quản triển khai đoạn tuyến cao tốc Mộc Châu – Sơn La.
Về nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Nà Sản, Thủ tướng giao tỉnh Sơn La phối hợp các bộ, ngành triển khai các thủ tục, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền với tinh thần làm nhanh, quyết liệt.
Về nâng công suất Thuỷ điện Sơn La, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu tác động trên tinh thần bảo đảm an toàn, an ninh hồ đập; nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên mặt hồ.
Nhiều kiến nghị của tỉnh liên quan tới các vấn đề cơ chế, chính sách chung, Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, xử lý trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách sắp tới.
Mong muốn tỉnh giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, thách thức, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề được thảo luận tại cuộc làm việc, Thủ tướng tin tưởng tỉnh sẽ làm được, làm tốt trong những năm tới, tự lực, tự cường, tự tin để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Các bộ, ngành “xắn tay” đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc, coi việc của tỉnh như việc của mình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực, động lực cho các địa phương phát triển./.