Thủ tướng: Thành phần nào hưởng lợi lớn từ giá thịt lợn?
VOV.VN - Thủ tướng đặt câu hỏi, liệu có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không và yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này, đồng thời nêu biện pháp xử lý.
Sáng nay (21/4), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban chỉ đạo. Thủ tướng đánh giá, giá dầu thế giới đã xuống tới mức âm giúp giá xăng dầu trong nước xuống thấp, nhưng mặt bằng giá hàng hóa trong nước vẫn có nguy cơ tăng cao, đòi hỏi Ban Chỉ đạo phải có biện pháp kịp thời để kiểm soát.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Giá bán thịt lợn tăng đến 4 lần
Nhắc tới giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là giá thịt lợn tăng cao thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo kết quả thanh tra giá thịt lợn tại cuộc họp này.
Thủ tướng nêu rõ, giá thành thịt lợn chỉ khoảng 45.000 đồng/kg nhưng giá bán có thể lên tới 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt lợn chiếm 4,2% trong tổng số hơn 700 mặt hàng tính toán tiêu dùng cuối cùng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng đặt câu hỏi, liệu có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không? Yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này và nêu ra biện pháp xử lý, Thủ tướng cho biết, Nhà nước đã bỏ ra mười mấy nghìn tỷ đồng để phục hồi, tái đàn.
“Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi đã hưởng lợi rất lớn, trong khi một vài công ty lớn đã công bố số lãi rất khủng”. Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm này với các biện pháp cụ thể.
Điện, nước, vật tư y tế chưa thể tăng giá
Đối với giá mặt hàng gạo, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đưa ra chủ trương xuất khẩu gạo nhưng có kiểm soát, bởi năm nay nhiều nước xuất khẩu lương thực hạn chế xuất khẩu gạo. Ví dụ như Campuchia đóng cửa xuất khẩu gạo, Thái Lan bị hạn hán, dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam.
Theo Thủ tướng, xuất khẩu gạo là cần thiết, nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhất là bài học vừa qua cho thấy, khi dịch bệnh diễn ra đã có sự lộn xộn về thị trường, một số người dân có tâm lý mua lương thực tích trữ. Nếu Nhà nước không đủ lương thực dữ trữ sẽ không kiểm soát được tình hình.
Nêu thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, có biện pháp quản lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người nông dân trồng lúa là cần thiết, nhất là đối với nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước việc vừa qua Chính phủ ban hành một số gói hỗ trợ đối với nền kinh tế, tổng cộng trên 600.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% GDP nước ta, dành cho nhiều đối tượng, Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của các gói hỗ trợ này đối với mặt bằng giá trong nước. Cùng với đó là từ ngày 1/7/2020 sẽ tăng lương cơ bản cũng sẽ có tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, giá các mặt hàng điện, nước, vật tư y tế, trang thiết bị giáo dục chưa thể tăng giá lúc này. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nước sạch giảm chi phí để giảm giá nước đồng hành hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá quý 1/2020 diễn biến theo hướng tăng mạnh vào tháng 1, giảm vào các tháng 2 và 3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 so với tháng 12 năm ngoái tăng 0,34%. Bình quân quý 1 năm nay, CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng bình quân quý 1 cao nhất trong 5 năm qua. Ngoài nguyên nhân giá cả tăng vào dịp Tết Nguyên Đán thì giá thịt lợn có mức tăng khá cao so với dự báo. Giá thịt lợn quý 1/2020 tăng tới gần 59% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 2,47%. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 tác động làm giá vật tư y tế, điện, nước sinh hoạt tăng cao./.