Thủ tướng: Thể chế pháp luật lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển đất nước
VOV.VN - Luật pháp phải đáp ứng được thời kỳ công nghệ 4.0 để thể chế pháp luật không kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Sáng nay, 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao ngành tư pháp đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ về chủ trương của Chính phủ chuyển mạnh từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, tập trung hơn nữa vào công tác thể chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong lúc nước ta hội nhập sâu rộng với quốc tế, tham gia 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng thể chế pháp luật phải theo kịp thực tiễn, nếu không sẽ lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trong nhiệm vụ này có vai trò rất quan trọng của Bộ Tư pháp.
Sau gần hết nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật, là chỗ dựa vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành.
Nhấn mạnh những kết quả tích cực của đất nước đạt được trong năm qua, nhất là trong bối cảnh rất khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng, vai trò của ngành tư pháp đã tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn về chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tư pháp đã khẳng định được vai trò “nhạc trưởng”, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, tham mưu rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tố chức thi hành pháp luật.
Ngành đã gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Thực hiện gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với cải cách tư pháp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, qua đó góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Với tổ chức bộ máy của toàn ngành tư pháp lên tới 45 nghìn người, Thủ tướng kỳ vọng, nếu các đơn vị và cán bộ ngành tận tụy, nêu gương thực thi pháp luật, thúc đẩy công vụ, thì đất nước sẽ có sự chuyển biến rất đáng mừng.
Thủ tướng cho rằng: "Khi Bí thư, Chủ tịch hỏi: Vấn đề này thế nào? Khi Thủ tướng, Phó Thủ tương hỏi: Vấn đề này có đúng thẩm quyền không, đúng pháp luật không? Ai trả lời? Ở địa phương phải là Giám đốc Sở Tư pháp trả lời vấn đề này. Trên Trung ương, phải là Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Thứ trưởng được ủy quyền trả lời vấn đề này... Vai trò, vị thế của các đồng chí lớn như thế. Lãnh đạo sai, Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm không? Rõ ràng là có trách nhiệm. Tỉnh mà có liên quan đến nhiều vụ kiện quốc tế, Giám đốc Sở Tư pháp có chịu trách nhiệm không?. Trước khi đặt bút ký có nghiên cứu xem đây có phải vấn đề tham gia các điều ước (quốc tế) không?. Hay Chủ tịch cứ ký, Phó Chủ tịch cứ ký...rồi sau nhận hậu quả kiện tụng quốc tế rất lớn như vậy, thì trách nhiệm thuộc về ai?. Chúng ta không đặt câu hỏi trách nhiệm? Không nêu gương thì làm sao có thể quản lý đội ngũ đông như vậy?”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại ngành cần khắc phục, đó là năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng; hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, ổn định, chưa sát với thực tiễn; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Còn tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp trong quá trình hội nhập, cần quán triệt trong hệ thống tư pháp, đó là đảm bảo một nền kinh tế tự chủ, một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Pháp luật phải thực hiện cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật không được kìm hãm sự phát triển đất nước: "Tinh thần của chúng ta ở thời kỳ công nghệ phát triển nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo, big data, xã hội số, chính phủ điện tử… thì luật pháp phải đáp ứng được thời kỳ công nghệ này, để thể chế pháp luật không kìm hãm sự phát triển của đất nước, những sáng kiến, sáng tạo, những khởi nghiệp, không phải bỏ chạy ra nước ngoài để đăng ký phát triển. Thể chế pháp luật nào tạo điều kiện cho phát triển, đó là vấn đề. Công nghiệp 4.0 thì làm sao phải tạo điều kiện phát triển, một câu hỏi rất lớn đối với ngành tư pháp. Còn không sẽ lạc hậu với thời đại."
Với việc nước ta đã tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Thủ tướng lưu ý ngành tư pháp cần nghiên cứu để các quy định pháp luật không kìm hãm hội nhập. Ngành cần giới thiệu, phổ cập các quy định, điều ước quốc tế mà nước ta tham gia tới doanh nghiệp và người dân.
Ngành cũng cần tham mưu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị trên các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp; Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản pháp luật; tập trung khắc phục cho được những mâu thuân, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất, giảm chi phí tuân thủ để thúc đẩy phát triển. Trong quá trình đó, không để tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, cần đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành đã tham mưu trình Quốc hội 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản, trong hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ. Ở cấp tỉnh, huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là 35.000 văn bản.
Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành tư pháp đã thẩm định 42.000 văn bản. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả với gần 40.000 văn bản cả nhiệm kỳ. Nhiều văn bản được đề xuất xử lý kịp thời để không có những tác động tiêu cực tới xã hội.
Về công tác thi hành án, đã thi hành được trên 53 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 14 nghìn tỉ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Tính chung cả nhiệm kỳ, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành trên 2,8 triệu việc, tương đương trên 205 nghìn tỉ đồng./.