Thủ tướng tiếp lãnh đạo Tập đoàn công nghệ, năng lượng, phát triển hạ tầng Trung Quốc
VOV.VN - Nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ngày16/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, phát triển hạ tầng.
Đề nghị Huawei tham gia chuyển đổi số tại Việt Nam
Tiếp ông Lâm Bách Phong, Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Hoa Vĩ (Huawei) – doanh nghiệp đang hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực, đứng thứ 4 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả của Tập đoàn Huawei trên toàn cầu; chúc mừng và cảm ơn Huawei tin tưởng và đầu tư thành công tại Việt Nam.
Ông Lâm Bách Phong cho biết, Huawei mong muốn trở thành đối tác thúc đẩy và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng hành trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; số hóa và chuyển đổi carbon thấp trong các ngành công nghiệp; sẵn sàng đưa kết nối số đến các trường học, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy thu hẹp khoảng cách số, đạt mục tiêu phát triển cân bằng.
Cho rằng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dư địa để Huawei đầu tư tại Việt Nam còn rất lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Tập đoàn Huawei nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng, phát triển nền kinh tế số, chính quyền số, công dân số, xã hội số. Do đó, mong muốn Huawei tham gia sâu vào quá trình này, đặc biệt đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực số; đề nghị Tập đoàn Huawei chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm kiếm các dự án mới và triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Kinh doanh với phương châm: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Cũng trong chiều tối 16/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Trương Mãn Bình, Phó Chủ tịch và lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) - một tập đoàn đa ngành trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo đánh giá của Tạp chí Fortune.
Tại Việt Nam, Energy China đang triển khai 16 dự án với 12 doanh nghiệp liên danh tại Việt Nam và tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, bao gồm: các dự án nhà máy sản xuất nhiệt điện tại Hải Dương và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận; tham gia các gói thầu EPC tại các nhà máy nhiệt điện lớn như: Vĩnh Tân I, Duyên Hải I, Vũng Áng I…
Báo cáo các nội dung đề xuất với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, ông Trương Mãn Bình cho biết Energy China có kế hoạch tìm kiếm dự án, mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, nhất là phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Hoan nghênh sự chủ động của Tập đoàn khi đưa ra các đề xuất hợp tác, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Tập đoàn Energy China nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
Việt Nam đang đầu tư cả trong mua bán điện, sản xuất điện, truyền tải điện…, với kinh nghiệp nhiều năm đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, Thủ tướng mong muống Energy China tham gia sâu hơn vào các dự án điện, cùng Việt Nam trong chuyển đổi số, xây dựng lưới điện thông minh, chống biến đổi khí hậu…
Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn về năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với đại diện của Tập đoàn để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn trong quá trình tìm kiếm các dự án mới và triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Hợp tác công – tư phát triển hạ tầng chiến lược của Việt Nam
Tiếp ông Vương Đồng Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc CCCC thực hiện thành công hơn 20 dự án tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng như: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; cảng Cái Mép – Thị Vải; Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận, Duyên Hải – Trà Vinh; nhà máy điện gió tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Trước đề nghị của CCCC về việc tham gia phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam, một số tuyến đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, cũng như phát triển điện gió tại Việt Nam, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, một trong những ưu tiên “đột phá” phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị CCCC ngoài làm tổng thầu, hợp tác nhiều hơn trong việc tư vấn, đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng, tham gia đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Đặc biệt là tham gia đầu tư các dự án như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Vũng Áng – Lào, đoạn đi trên địa phận Việt Nam, Tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hồ Chí Minh...; đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ và địa phương liên quan để phát triển các dự án mới tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần đầu tư nguồn điện và lưới truyền tải điện một cách tổng thể và đồng bộ. Nhu cầu vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam là rất lớn; cần thu hút các nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế tham gia hợp tác, đầu tư vào các dự án điện của Việt Nam.