Thủ tướng tuyên dương các tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Chiều nay (17/3), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên dương các tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Ngày 6/2/2023, đã xảy ra trận động đất với cường độ lên tới 7,8 độ richter, lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng chục nghìn công trình bị phá hủy. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh sau thảm họa này, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Với tình cảm chân thành, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về những mất mát, thiệt hại to lớn về người và tài sản trong thảm họa động đất này.
Việt Nam đã cử một lực lượng lớn gồm 100 đồng chí, trong đó có 76 đồng chí của Bộ Quốc phòng và 24 đồng chí của Bộ Công an đã tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Hình ảnh lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm, trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với hiểm nguy từ các đợt rung chấn sẽ khắc sâu trong tâm trí người dân Thổ Nhĩ Kỳ và thắp lên niềm tự hào là người dân Việt Nam.
Việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ sức lực của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hành động này đã được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao; được người dân trong quan tâm theo dõi, động viên và khích lệ.
Tại Lễ tuyên dương, các đồng chí trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ về những khó khăn, thử thách phải đối mặt, vượt qua trong quá trình làm nhiệm vụ; cũng như kết quả, thành tích và kỷ niệm sâu sắc của đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó là những bài học kinh nghiệm rút ra trong việc hỗ trợ nhân đạo quốc tế, cũng như công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong nước gian tới; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đã chủ động tham mưu Chính phủ trong xử lý các vấn đề quốc tế; lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức bảo đảm cho lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời đưa tin, phản ánh các hoạt động cả trước, trong và sau quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn của Đoàn công tác; tạo sức lan tỏa sâu rộng đến Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Qua việc tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua Thủ tướng đã chĩ rõ những bài học kinh nghiệm, trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đánh giá kỹ lưỡng về năng lực ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống của chúng ta. Trong đó, nhấn mạnh, phải nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa để chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và điều kiện thực tế của đất nước; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải cương quyết, quyết liệt, sâu sát, nhanh nhạy, kịp thời phù hợp với diễn biến, tình hình; Có phương án huy động các lực lượng chức năng và phương tiện phù hợp; lựa chọn cán bộ, chiến sĩ phải là những người được đào tạo bài bản, có sức khỏe, có kinh nghiệm trong thực tiễn.
Chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về lực lượng, phương tiện phù hợp với các loại hình sự cố, thảm họa. Làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, bảo đảm sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp. Trong tổ chức thực hiện, phải thống nhất phương án, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; quán triệt nghiêm các mệnh lệnh, chỉ huy tại hiện trường.
Chú trọng công tác thông tin, báo cáo, bảo đảm thông suốt, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông để thúc đẩy quan hệ, chính sách đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường, dẫn đến nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ là rất lớn với yêu cầu ngày càng cao. Thủ tướng yêu cầu, cần xác định công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm hoạ thiên tai đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đối với công tác này là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành khác có liên quan khẩn trương tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là đối với công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo đó, cần chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố thảm họa do thiên tai, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng thực hiện công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để xử lý những tình huống, sự cố, tai nạn, thảm họa phức tạp và làm nhiệm vụ quốc tế.
Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh./.