Thủ tướng: Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới
VOV.VN - Thủ tướng cho biết, Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm.
Sáng 4/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, gọi tắt là VBF, với chủ đề: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu.
Diễn đàn được tổ chức thường xuyên trong 20 năm qua, là kênh đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. |
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế đang hướng đến kết nối thương mại và đầu tư mạnh mẽ, thì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là các vấn đề thương mại, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Cơ hội thấy rõ là các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các quan hệ thương mại để đảm bảo các hỗ trợ các nền kinh tế của họ.
Đặc biệt việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm được thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là những đối tác rất quan trọng. Đây là xúc tác quan trọng để cải cách hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có thúc đẩy hợp tác công-tư, hướng tới một nền kinh tế số.
"Cánh cửa cơ hội lớn đang mở ra cho Việt Nam trong bối cảnh các nước tăng cường hợp tác và Việt Nam là một điểm đến, là nơi lựa chọn của nhiều nhà đầu tư" - ông Kyle Kelhofer cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cơ quan này đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh đang chuyển biến mạnh mẽ.
Rõ nhất là việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã dễ dàng hơn nhiều. Có khoảng 13% số doanh nghiệp thực hiện đăng ký thủ tục kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong phá sản, thủ tục xuất nhập khẩu...
Trong khi đó, ông Tony Foster - Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều quy định tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư, song vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.
Liên quan đến quy trình hợp tác công-tư (PPP), theo ông cần đảm bảo khuôn khổ các chương trình và quy định để đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy hợp tác công-tư.
"Chính phủ đã có những dự án điển hình trong lĩnh vực hợp tác này với sự tham gia của tư nhân. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần có lực lượng các chuyên gia để hỗ trợ dự án PPP. Nhóm công tác cơ sở hạ tầng chúng tôi cũng có chuyên gia với nhiều dự án mẫu. Đây là thời điểm để giải quyết các tồn tại trong PPP, nhất là việc ban hành Luật về hợp tác công-tư. Dự thảo Luật cần có sự tham gia của các chuyên gia để hoàn thiện nhất, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư" - ông Tony Foster nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương -Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, Dự thảo Luật về hợp tác công-tư sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 tới, và nếu được chấp thuận thì sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8.
Đồng tình với các diễn giả về việc cần hoàn thiện nội dung về quy định trong Luật hợp tác công-tư, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, đây là Luật phức tạp liên quan đến nhiều quy định về áp dụng các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh, các cam kết của Chính phủ trong phân chia các rủi ro.
Do đó, cần có các dự án thực tiễn để có kinh nghiệm và chuyển hóa vào các quy định của Luật, nhằm xây dựng Luật có tính khả thi cao. Ông cũng đồng tình các quan điểm cần sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhất là chuyên gia quốc tế, đảm bảo xây dựng Luật phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế và bảo đảm theo nguyên tắc thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Trương cũng cho biết, tính đến cuối tháng 10 vừa rồi, Việt Nam đã có 289 dự án PPP với số vốn huy động được là 54 tỷ USD.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nhà đầu tư nêu ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các nhà đầu tư là “liều thuốc” tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến này để báo cáo Thủ tướng giải quyết các vướng mắc mà nhà đầu tư nêu ra.
Mặc dù đánh giá thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, chiến tranh thương mại, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa. Chính với niềm tin đó, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả ấn tượng năm 2018. Sự lạc quan bao trùm nền kinh tế Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh, với 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, Việt Nam như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất được mở để các nhà đầu tư vào Việt Nam và thị trường toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình. |
Nêu lên những cơ hội mở ra đối với nền kinh tế Việt Nam và các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với chủ đề của Diễn đàn lần này: Sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu, cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền đi nhanh hơn đến đích.
Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam. Những thành quả kinh tế của Việt Nam gắn liền với tự do hóa kinh tế, các dòng chảy thương mại và hội nhập kinh tế. Việt Nam xem hội nhập là động lực và phương tiện thúc đẩy cải cách, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Để các nhà đầu tư nắm bắt được các cơ hội và hợp tác thành công, Thủ tướng cho rằng, cần có sự hợp tác ba bên. Trong đó, trước hết là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam, phát huy lợi thế so sánh, một yếu tố rất quan trọng để thành công. Cùng với đó là cần có sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các doanh nghiệp FDI. Việc mở cánh cửa cho chuỗi cung ứng sẽ giúp giảm chi phí và đa dạng hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng cũng chính là cách nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của chính các doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng cũng nêu một yếu tố quan trọng nữa chính là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ ưu tiên tập trung ổn định chính trị và nền tảng vĩ mô; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...:
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện tốt Chương trình hành động này sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần giảm tối đa gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
"Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, yếu tố quan trọng đối với cả Việt Nam, các nhà đầu tư và đối với hòa bình toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đó là Việt Nam luôn nỗ lực giữ gìn môi trường hòa bình, đảm bảo các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại.
Với những khát vọng chính đáng và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả Việt Nam và các nhà đầu tư, Thủ tướng tin tưởng, tương lai sẽ được đền đáp bằng “cây lành, trái ngọt”./.
Thủ tướng chủ trì hội nghị đổi mới doanh nghiệp Nhà nước