Thủ tướng: Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp đến đầu tư
VOV.VN -Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam- một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Sáng 23/6, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã tham dự đối thoại với đại diện khu vực doanh nghiệp ACMECS.
Cộng đồng doanh nghiệp ACMECS bày tỏ vui mừng cấp cao ACMECS lần này đã thông qua Kế hoạch hành động 2016-2018 với 8 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, đồng thời khuyến khị các nhà lãnh đạo ACMECS tập trung vào 6 lĩnh vực hợp tác trọng điểm, trong đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua xúc tiến và giám sát việc sử dụng nội tệ trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới; nâng cấp các trạm kiểm soát biên giới chủ chốt và thương mại vùng duyên hải; đẩy mạnh hợp tác Nông nghiệp, nhất là thực hiện các dự án hợp đồng canh tác, hợp tác sản xuất gạo; thúc đẩy hợp tác công nghiệp, trong đó xác định và tập trung vào các đặc khu kinh tế chủ chốt; đẩy mạnh liên kết giao thông vận tải; hợp tác du lịch, khuyến khích đề án Một Visa ACMECS cũng như tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực….
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ACMECS đánh giá cao và ghi nhận những đề xuất hữu ích của Hội đồng kinh doanh ACMECS và ý kiến phản hồi thiết thực của các doanh nghiệp đối với hợp tác ACMECS trong thời gian qua.
Đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, thúc đẩy chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như các nhà lãnh đạo ACMECS cho rằng, tiềm năng hợp tác to lớn của ACMECS vẫn chưa phát huy một cách hiệu quả nhất, nhiều chương trình hợp tác vẫn chưa triển khai theo đúng kỳ vọng.
Đây là điều mà lãnh đạo ACMECS đang cố gắng khắc phục, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu hơn, chủ động và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phân tích rõ tiềm năng, lợi thế của 5 quốc gia thành viên ACMECS để nâng cao vai trò và vị thế trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhất là cùng nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á và các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, kết quả hợp tác ACMECS, nhất là trong liên kết giao thông thông qua phát triển các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang phía Nam đã góp phần cắt giảm chi phí giao thông, nâng cao tính cạnh tranh của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Hợp tác ACMECS không chỉ gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước láng giềng, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng để thành công. Tôi rất mong nhận được sự hưởng ứng tích cực bằng hành động cụ thể của quý vị, vì thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ, bền vững của khu vực 5 nước chúng ta …”
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện, triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mà trọng tâm là quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, bao gồm tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam- một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn./.