Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Séc gặp gỡ báo chí sau hội đàm thành công
VOV.VN - Trưa 20/1 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Praha, sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hoà Séc Petr Fiala đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.
Nhân dịp này, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Séc về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục; về đào tạo phi công giữa Vietjet của Việt Nam và F Air của Séc.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Séc vui mừng thông báo tại hội đàm, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược: “Không có đất nước nào ở châu Á mà chúng tôi có quan hệ sâu sắc và rộng mở như Việt Nam và đây là thời điểm rất phù hợp để quyết định đưa quan hệ sang trang mới”.
Thủ tướng Petr Fiala nhấn mạnh và đánh giá quan hệ hai nước đã rất thành công, hợp tác kinh tế cũng tăng trưởng, thương mại song phương tăng nhanh và các công ty Séc rất hứng thú với đầu tư tại Việt Nam. Ông khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại Đông Nam Á và có dư địa, tiềm năng hợp tác rất lớn.
Thủ tướng Séc điểm lại những dự án đầu tư quan trọng đã có nhiều tiến triển trong hai năm qua, như nhà máy ô tô Skoda tại Quảng Ninh, hay việc tập đoàn Sev.en mua lại cổ phần tại Nhiệt điện Mông Dương 2 đã góp phần nâng tầm quan hệ song phương. Phía Séc cũng đã bàn giao máy bay thứ 39 cho Việt Nam và sẽ tiếp tục giao thêm các máy bay mới.
Đánh giá cao sự tham gia đông đảo của hàng trăm doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Séc diễn ra sáng cùng ngày, người đứng đầu Chính phủ Séc tin rằng sẽ có thêm nhiều thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực ô tô, năng lượng, công nghiệp quốc phòng, khai khoáng, hàng không, lọc hóa dầu… Ông khẳng định Séc có thể cung ứng các loại công nghệ mới, năng lượng mới cho phía Việt Nam, kể cả điện hạt nhân.
Thủ tướng Séc đánh giá thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ hai nước cho thấy sự ủng hộ của phía Séc với lĩnh vực này, cho phép hai bên trao đổi cán bộ giảng dạy và sinh viên, tạo đà mới cho quan hệ hai bên.
Còn thỏa thuận về đào tạo phi công giữa hai doanh nghiệp hàng không có ý nghĩa cả về lý thuyết và thực tế. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy việc mở đường bay thẳng giữa hai bên và các cầu nối hàng không với các quốc gia khác.
Cùng với đó, hai bên đã thảo luận về hợp tác nghiên cứu, phát triển, các doanh nghiệp Séc rất muốn trao đổi các cơ hội hợp tác về năng lượng gió, mặt trời, công nghệ y tế, sinh học với phía Việt Nam.
Đánh giá người dân Việt Nam rất hứng thú với nghệ thuật và phim ảnh của Séc, Thủ tướng Séc mong muốn sớm thành lập Trung tâm Văn hóa Séc tại Hà Nội.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng cuộc gặp giữa chúng tôi và Diễn đàn doanh nghiệp sáng nay sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh rất cụ thể, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Tôi rất vui mừng có dịp đề cập một loạt dự án quan trọng trong quan hệ song phương và hai bên hoàn toàn có thể nâng quan hệ lên tầm cao mới” - Thủ tướng Séc phát biểu.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân thành mà phía Séc dành cho đoàn đại biểu Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Tôi rất vui mừng gặp lại Thủ tướng Petr Fiala - hai năm sau chuyến thăm của ngài tới Việt Nam và trong chuyến thăm này, chúng ta có nhiều chuyện để nói, nhiều việc để làm và nhiều thành tựu để báo cáo với người dân”.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển của Séc, nhất là trong tình hình khó khăn sau đại dịch COVID-19, cảm ơn phía Séc đã giúp đỡ Việt Nam chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng trong suốt 75 năm qua với tình cảm rất đặc biệt.
Từ những kết quả đó, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ và Séc đã trở thành Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Theo Thủ tướng, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người và phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…
Đây là những vấn đề toàn dân, toàn diện và mang tính toàn cầu. Do đó, hai nước càng phải đoàn kết, thống nhất, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, trên cơ sở truyền thống hợp tác đã có, làm mới các lĩnh vực hợp tác truyền thống và thúc đẩy các lĩnh vực mới (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo), khai thác tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong quan hệ song phương để cùng phát triển, mang lại lợi ích cho hai nước và góp phần vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực.
Chia sẻ về một số nội hàm quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược mà hai nước vừa nâng cấp, Thủ tướng cho biết, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, ngoại giao, thúc đẩy các đoàn cấp cao.
Về kinh tế, khai thác dư địa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư mạnh hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy các dự án đầu tư lớn của Séc, phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD.
Về khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và lao động, Việt Nam xác định trong kỷ nguyên mới, phải phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hoan nghênh sự hợp tác của Séc trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, củng cố, tăng cường, làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng, an ninh, bao gồm thương mại quốc phòng và chuyển giao công nghệ.
Lĩnh vực thứ năm là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, du lịch, thống nhất hình thành trung tâm văn hóa Việt Nam tại Praha và Trung tâm văn hóa Séc tại Hà Nội, kết nối hàng không "một cung đường, nhiều điểm đến" và kết nối lại vận chuyển đường sắt trong những năm tới.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đã quyết định sẽ áp dụng miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Séc trong khuôn khổ Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam trong năm 2025. Hai bên cũng thống nhất cao về các hiệp định dẫn độ và hợp tác lao động.
Thứ sáu là phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và đa phương, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín trên trường quốc tế của mỗi nước; cũng như chia sẻ thông tin về các vấn đề cùng quan tâm.
Thứ bảy là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho 100.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc, nghiên cứu, học tập tại Séc để đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước và cho quan hệ hai nước.
Với tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công, "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được", Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, mang lại lợi ích cho mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Petr Fiala thăm lại Việt Nam; đồng thời chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới các nhà lãnh đạo của Séc.