Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm không phải là số cộng phát triển
VOV.VN -Sáng 5/6, tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sáng 6/5, tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải phát triển vùng mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một thể thống nhất, tránh chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Xuân Lượng) |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn là vùng kinh tế năng động bậc nhất nước ta, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2018, kinh tế vùng đóng góp 45,4% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay đang có một số vướng mắc khiến vùng chưa thực sự phát triển đột phá. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đầu tàu trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhấn mạnh đến cơ sở pháp lý của vùng chưa hoàn thiện, thiếu cơ chế điều phối vùng hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; thiếu cơ sở dữ liệu chung của vùng.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, về lâu dài, Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng; hệ thống Luật pháp quy định về chính quyền địa phương cần phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng. Chính phủ sớm ban hành Nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả hơn.
“Trước mắc mắt, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành trong các vùng kinh tế trọng điểm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương”- Ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cùng chung quan điểm này, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng. Khi triển khai Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 cần xây dựng quy hoạch vùng gắn với ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm cụ thể hóa việc phát triển vùng là ưu tiên hàng đầu.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì đề nghị Chính phủ cần đề xuất Quốc hội có cách tiếp cận dứt khoát về thể chế vùng để tạo được động lực phát triển vùng. Trong giai đoạn chưa có thể chế được hiến định thì phải có sự phân quyền nhiều hơn cho địa phương gắn với phân cấp với cách tiếp cận đây là vùng phát triển đặc biệt, nên cần giao quyền nhiều hơn.
Ông Trần Đình Thiên cũng đề nghị thu hút những doanh nghiệp mang tính kết nối vùng, từ đó tạo áp lực để hoàn thiện thể chế cho vùng.
“Kinh nghiệm của những doanh nghiệp tạo ra sự kết nối địa phương, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân là rất rõ ràng. Ở khu vực phía Nam có Becamex tại Bình Dương tạo sự kết nối rất rõ ràng. Cần tạo vai trò của doanh nghiệp địa phương trong kết nối vùng. Chính điều này tạo áp lực để có thể chế tốt. Trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cách tiếp cận khuyến khích phát triển khu vực tư nhân rất mạnh và tư nhân Việt Nam thì đường cao tốc cũng làm được, sân bay cũng làm được, tạo hành lang kết nối và đỡ cho gánh nặng ngân sách. Cho nên riêng thể chế dành cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, những tập đoàn lớn, cho việc kết nối vùng cần được ưu tiên”- ông Trần Đình Thiên nói.
Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hội nghị này sẽ có một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Lượng) |
Thủ tướng nhấn mạnh về vai trò đầu tàu kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng đồng thời cũng nêu ra không ít tồn tại khiến vùng chưa thực sự phát triển đột phá. Trong đó, lợi thế của vùng chưa được phát huy hết; mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi. Sự liên kết vùng còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá. Chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực dẫn đến làm chậm tiến trình hình thành một không gian kinh tế thống nhất. Cơ chế tổ chức và điều hành của các vùng kinh tế trọng điểm nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng còn rất bất cập...
Phân tích các tồn tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới, đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang tác động đến nước ta.
Thủ tướng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là đầu tàu kinh tế Việt Nam, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt mạnh hơn, bền vững hơn nữa đối với kinh tế đất nước. Thủ tướng yêu cầu từng tỉnh, kể cả Thành phố Hồ Chí Minh phải sáng tạo, sáng tạo hết sức, năng động-năng động hơn nữa.
“Chính vì vậy tôi yêu cầu không những chúng ta phải có tầm nhìn đến năm 2020 mà tầm nhìn đến năm 2030. Tôi yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kiên định thực hiện với định hướng, mục tiêu đề ra, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì các đồng chí phải thống nhất quan điểm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một thể thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính; tổ chức phân công đầu tư sản xuất rõ ràng, không phát triển trùng lắp, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh... Từ các định hướng đó, Thủ tướng nêu nhiệm vụ cụ thể đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “Tôi đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế phía Nam phải rà lại sự phát triển của địa phương, chỉ đạo thực hiện quyết liệt từng chỉ tiêu. Có biện pháp đồng bộ để bố trí đội ngũ cán bộ xứng tầm triển khai thực hiện, nhất là những mũi quan trọng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Trước hết là đánh giá việc triển khai nhiệm vụ phát triển đề ra trong Quyết định 252 của Thủ tướng, từ đó có giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế mũi nhọn cũng như phát triển toàn diện kinh tế xã hội”.
Với vai trò quan trọng của vùng, Thủ tướng đề nghị 8 tỉnh trong vùng phấn đấu đến năm 2020 đều tự cân đối được ngân sách. Vùng phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối đòi hỏi sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.
Cùng với việc thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng, Thủ tướng đề nghị vùng tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xã hội hóa nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, PPP..., đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật quy hoạch. Tinh thần là phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, không ôm những việc không cần thiết các bộ làm để các địa phương tự quyết một số việc.
Nhiệm vụ của Bộ Tài chính là xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách của từng tỉnh/thành phố trong vùng đối với ngân sách Trung ương, tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Xem xét, quyết định việc cho các địa phương sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giải phóng mặt bằng xây dựng các khu đô thị ven biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.
Ngay trong năm 2020 phải khởi công sân bay Long Thành và khánh thành đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ vào năm 2021. Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai phải nhanh chóng giải phóng mặt bằng để khởi công sân bay Long Thành.
*** Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và nói chuyện với cán bộ, y bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai, một bệnh viện thành công trong triển khai xã hội hóa nguồn lực đầu tư, có quy mô lớn tới 2.000 giường bệnh. Thủ tướng chúc mừng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện xã hội hóa hiệu quả, góp phần đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thủ tướng yêu cầu cán bộ, nhân viên, y bác sỹ bệnh viện tiếp tục trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các nghiệp vụ y khoa tiên tiến thế giới, để phục vụ người bệnh tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Nhân chuyến công tác, chiều qua, 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên cụ Ngô Bạch Tuyết, 79 tuổi, là mẹ liệt sĩ, gia đình cách mạng gương mẫu, tại xã Hiệp Hòa, và cụ Nguyễn Thị Thu, 100 tuổi, là mẹ liệt sĩ, trú tại phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa./. Thủ tướng: Tìm giải pháp bứt phá cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam