Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc cho mua sắm thuốc và thiết bị y tế

VOV.VN - Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi ngay các Thông tư của Bộ về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng cho việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế,...

Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Báo cáo tại hội nghị Bộ Y tế cho biết, trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tính đến hết ngày 11/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện Kết luận của Trung ương, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế đánh giá, thực tế đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nghị quyết 128 đóng vai trò quyết định với những kết quả trong công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, để đạt được kết quả trong thời gian qua là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định các trụ cột và công thức phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt mục tiêu đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng linh hoạt”, kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Bộ Y tế nắm chắc tình hình dịch; thường xuyên rà soát, cập nhật kịch bản và các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp. Bộ Y tế bảo đảm đủ số lượng, phân bổ kịp thời vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và khẩn trương đánh giá việc suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine để có phương án tiêm các mũi bổ sung kịp thời, khoa học.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo về việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương, chú trọng tiêm các đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền, người tiêm chưa đủ liều, bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi ngay các Thông tư của Bộ về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.

Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học.

Mở rộng dần thời gian, số lần, đối tượng cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam để thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, đặc biệt về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine, nhất là đối với người có nguy cơ cao, có bệnh lý nền, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp; hướng dẫn thực hiện 2K và các thành tố khác rõ ràng, dễ hiểu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên