Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy các hiệp định, hợp tác quốc tế đã ký kết
VOV.VN -Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Trụ sở mới và nói chuyện với cán bộ, công chức, người lao động Bộ Ngoại giao.
Trong không khí của những ngày làm việc đầu tiên đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, sáng 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Trụ sở mới và nói chuyện với cán bộ, công chức, người lao động Bộ Ngoại giao. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Bộ Ngoại giao |
Năm 2017 được đánh giá là một năm thành công của đối ngoại Việt Nam mà nổi bật là việc Việt Nam đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 và đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, một sự kiện mang tầm vóc "toàn cầu". Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Công tác đối ngoại còn thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Trong năm 2017, các lãnh đạo cấp cao đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.
Đặc biệt, trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC, Việt Nam đã đón Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước trong cùng một ngày. Cùng với đó là các chuyến thăm của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, trên 50 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.
Vui mừng đến thăm, gặp gỡ, nói chuyện với các cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần, thân thiết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thủ tướng đánh giá cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Bộ Ngoại giao, mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa đóng góp quan trọng hơn nữa vào thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước trong năm 2018.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đối ngoại góp quan trọng trong việc xúc tiến các xuất khẩu, phát triển du lịch, xuất khẩu lao động, xúc tiến đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có ưu thế vượt trội về công nghệ để góp phần tăng năng suất lao động trong nước. Bên cạnh đó là góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng an ninh, giảm nghèo…
Trong quan hệ đối ngoại, thông qua các biện pháp vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chúng ta đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.
Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt công tác quan tâm chăm lo đồng bào ta ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, nhất là đối với các ngư dân, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, hướng về xây dựng quê hương đất nước, mà điển hình, theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong 10 nước có kiều hối lớn nhất.
Nhấn mạnh những kết quả quan trọng của kinh tế xã hội năm 2017 có sự đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, uy tín Việt Nam có được cũng do có sự đóng góp của cán bộ, bộ ngoại giao. Điều đó cho thấy vai trò trực tiếp quan trọng của ngành trong giữ gìn uy tín của đất nước. Chính vì thế trách nhiệm của ngành còn nặng nề với đất nước.
Đánh giá cao các thành tích, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành. Thủ tướng cho rằng, ngành đã làm tốt công tác tại diễn đàn ASEAN nhưng nhận thức về ASEAN vẫn chưa lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp. Trong ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế cần chú trọng hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cam kết trong các hiệp định tự do thương mại đã ký để phát triển thị trường. Công tác nghiên cứu, tham mưu dự báo cần kịp thời, nhạy bén, khẩn trương hơn nữa trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Mỗi đại sứ, cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao cần thực sự là những sứ giả về kinh tế.
Bộ Ngoại giao cũng cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, phục vụ. Thủ tướng nhấn mạnh, việc đổi mới cách chỉ đạo, bám sát công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, với nước, với Bộ rất quan trọng.
Và nhiệm vụ quan trọng nữa là ngành cần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, nâng cao tiềm lực quốc gia. Trong đó Thủ tướng đặt vấn đề các hoạt động đối ngoại nhiều nhưng có hiệu quả như thế nào, tổ chức thực hiện các hợp tác, hiệp định, những ký kết để thúc đẩy đến cùng các chương trình đó như thế nào? Nêu vấn đề này, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ động, đánh giá lại những hiệp định, những văn bản đã ký kết đã thực hiện đến đâu.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần là chúng ta có nhiều đối tác chiến lược, cần đưa vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao tiềm lực đất nước. Kiên trì thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu.
Về quốc phòng an ninh, chúng ta đã có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa. Theo đó, trong công tác đối ngoại phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Và từ đó, chúng ta đặt vấn đề khi hợp tác làm ăn nhiều, đan xen lợi ích với nhau sẽ hiểu nhau hơn, tin nhau hơn và khi có xung đột, khác biệt thì có thể chân tình hữu nghị giải hòa được vấn đề này. Cùng với đó cần xây dựng niềm tin với các đối tác trong khu vực và thế giới, tạo cục diện quan hệ với các nước phải bình đẳng, bền vững hơn, tạo thế đan xen lợi để cùng hợp tác, cùng thắng.
Nêu rõ nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế là một trọng tâm,cần chủ trương sáng tạo, phương châm hoạt động, những cách làm mới để thúc đẩy việc này tốt hơn, Thủ tướng cho rằng, những nội dung về ngoại giao kinh tế cần được cụ thể hóa hơn để dễ vận dụng hơn, nhất là năm nay chúng ta có nhiều hiệp định thương mại được ký kết.
Các đại sứ, sứ quán cần tập hợp thông tin, nghiên cứu, kiến nghị về chiến lược, những phương hướng phát triển thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Trong đó, phải có nghiên cứu sâu chính sách các nước như nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo về các sáng kiến, các địa chiến lược mới trong khu vực.
Các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao không chỉ giúp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu về Việt Nam mà còn phải giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu về đất nước và những cơ hội kinh doanh ở nơi mà mình công tác.
Thủ tướng tham quan các hình ảnh giới thiệu về hoạt động đối ngoại |
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao cần chọn những chuyên đề để báo cáo lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng như những xu hướng của thị trường chứng khoán sắp đến, vấn đề Biển Đông, vấn đề tiền ảo, vấn đề xu hướng tiêu dùng khu vực...
Nhấn mạnh đến yếu tố con người là quan trọng, Thủ tướng đề nghị ngành cần quan tâm xây dựng lớp cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, có bản lĩnh, trí tuệ, không chỉ làm tốt ngoại giao chính trị mà cả ngoại giao kinh tế, là những sứ giả văn hóa, làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bảo hộ các quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở ngoài nước. Cán bộ ngoại giao ở nước ngoài phải gương mẫu, là tấm gương, đừng để những việc tai tiếng xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Tinh thần lớn mà Thủ tướng lưu ý là phải tìm, đưa vào Bộ Ngoại giao những người tài đức; đầu ra phải tái cơ cấu lại, giảm những bộ phận không cần thiết.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao cần thực hiện chức năng ngoại giao kiến tạo phát triển. Trong đó cần đưa ra các sáng kiến mới, những ý tướng mới để chống trì trệ, cản trở sự phát triển đất nước.
Bộ Ngoại giao cũng cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác đối ngoại trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vị trí khác nhau ở cơ quan ngoại giao tại mỗi nước và thậm chí trong từng vụ, cục.
Thủ tướng mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao, là những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, sẽ luôn trung thành, kiên định về đường lối, linh hoạt, sáng tạo trong hành động vì một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc, hằng mong muốn./.
Dấu ấn ngoại giao đa phương của Việt Nam trong năm 2017
Ngoại giao kinh tế: Chìa khóa mở cánh cửa phát triển bền vững