Thừa Thiên Huế: Tháo gỡ điểm nghẽn quy hoạch, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống
VOV.VN - Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra trong hai ngày 16 và 17/7. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (17/7), nhiều Đại biểu nêu kiến nghị liên quan công tác quy hoạch, tính hiệu quả của việc triển khai các Nghị quyết HĐND vào cuộc sống.
Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn nêu ý kiến, quy hoạch là công tác quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các thủ tục liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch các xã, quy hoạch phân khu các phường, các khu vực dự kiến thành lập phường, công tác lập nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định quy hoạch phân khu chức năng để kêu gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn kiến nghị: “Đề nghị UBND tỉnh cho biết các giải pháp để đẩy mạnh công tác lập nhiệm vụ, phê duyệt quy hoạch trong thời gian đến”.
Ông Trương Nguyễn Thiện Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với mục tiêu tiếp tục nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch. Đối với quy hoạch phân khu các phường, khu vực dự kiến thành lập phường, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 23 đồ án quy hoạch phân khu, nâng tổng số quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt lên 47 đồ án. Đến nay đã cơ bản hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu các phường hiện hữu và các khu vực dự kiến thành lập phường phục vụ Đề án thành lập thành phố Trung ương với tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%.
Ông Trương Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, hiện nay chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp do hạn chế về năng lực chủ đầu tư, tư vấn, cán bộ thẩm định; Thiếu khảo sát địa hình, thiếu tư vấn phản biện, thiếu chất lượng trong công tác lấy ý kiến… Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí vốn cho công tác quy hoạch, chú trọng tăng cường tuyển dụng cán bộ là kiến trúc sư, bổ sung nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý quy hoạch cho các phòng, ban liên quan. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khi tổ chức lập quy hoạch cần chú trọng công tác tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp.
Ông Trương Nguyễn Thiện Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất: “Sở Xây dựng cũng đã báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để có đề xuất, kiến nghị và tham gia ý kiến đối với Dự thảo luật. Qua đó, kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị nông thôn và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất để có cơ sở thực hiện”.
Về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, Đại biểu Dương Thị Thu Truyền, Phó Trưởng Ban Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực tế: Giai đoạn 2021 – 2025, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhìn chung tiến độ thực hiện các chính sách chậm, thậm chí một số Nghị quyết đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đơn cử như Nghị quyết số 02/2022 ngày 25/01/2022 về quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025 thực hiện hỗ trợ di dời cho 59 cơ sở sản xuất công nghiệp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Dương Thị Thu Truyền đề nghị làm rõ nguyên nhân: “Sau hơn 2 năm thực hiện thì chúng ta vẫn chưa thực hiện được chính sách nào liên quan Nghị quyết này. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có được mặt bằng, cụ thể là các cụm công nghiệp để di dời các cơ sở này. Nguyên nhân tại sao chưa có sự đầu tư khai thác các cụm công nghiệp?”.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Nghị quyết số 02/2022 mang tính chất đặc thù và định hướng của tỉnh. Cụm Công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế có phần khác so với các địa phương khác. Lâu nay, các cụm công nghiệp ở các địa phương hầu như chủ đầu tư chính là doanh nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi rất cơ bản. Địa phương hiện có 12 cụm công nghiệp, trong đó có 10 cụm đã hình thành hầu hết do Ban đầu tư hạ tầng của huyện quản lý, gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 8.000 cơ sở sản xuất chủ yếu là sản phẩm làng nghề, nhỏ lẻ, gây nhiều hệ lụy về môi trường và công tác quy hoạch sau này. Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương mạnh dạn chi ngân sách để hỗ trợ việc di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế lý giải về việc chậm triển khai hiệu quả chủ trương này: “Ngoài bộ máy quản lý, cơ chế liến quan đến quan hệ giữa doanh nghiệp thuê đất và doanh nghiệp hạ tầng. Hiện nay mới chỉ có 4 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm. Chúng ta đang chuyển dịch sang cơ chế doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Đây là cơ sở để địa phương triển khai Nghị quyết 02 sau này. Đã thành lập cụm công nghiệp thì phải hoàn thiện về hạ tầng, đặc biệt về môi trường chứ không thể manh nha được. Nguồn lực đầu tư này, hiện nay tỉnh giao về ngân sách huyện và thực hiện theo luật đầu tư công, phải có lộ trình, quy trình. Hiện nay, đầu tư cho ngân sách huyện quá ít, thậm chí không có”.