Thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật
VOV.VN - Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã cho thấy sự thân thiết, tin tưởng nhau ở mức độ cao.
Ông Mistuo Sakaba, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. |
PV: Ông nhận định như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Nguyên Đại sứ Mistuo Sakaba: Tôi nghĩ đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa chính trị rất lớn. Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Cho tới nay, vị lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Khi tôi làm Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng sang thăm Nhật Bản.
Trước đó, với tư cách là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm Nhật Bản. Và lần này với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo tôi, sẽ là sự kiện vô cùng ý nghĩa, được Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh.
PV: Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tập trung thảo luận vào những lĩnh vực hợp tác cụ thể nào giữa hai nước?
Nguyên Đại sứ Mistuo Sakaba: Trong bối cảnh hiện tại, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục làm cho quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa. Đặc biệt, dự kiến Tổng Bí thư sẽ hội kiến với Thủ tướng Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác của Nhật Bản, thảo luận về việc làm thế nào để tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, và tôi cho rằng đây là yếu tố thực sự có ý nghĩa.
Trong chuyến thăm lần này, dự kiến, Tổng Bí thư không chỉ tới Tokyo mà còn thăm một số địa phương khác của Nhật Bản, thị sát để đưa ra quyết định hợp tác ở những lĩnh vực khác như nông nghiệp... từ đó hợp tác giữa hai nước sẽ được cụ thể hóa hơn và thực chất hơn trên tất cả các lĩnh vực.
PV: Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam đã tiến hành thăm Nhật Bản (năm 2014 là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tháng 7/2015 là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và tháng 9 này là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng) . Điều này thể hiện điều gì trong quan hệ hai nước?
Nguyên Đại sứ Mistuo Sakaba: Đầu tháng 7, nhân dịp thăm Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao Nhật Bản-Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành hội đàm song phương. Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản với tư cách là Quốc khách, và sắp tới là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Liên tiếp trong quãng thời gian ngắn, những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đều tiến hành thăm Nhật Bản. Thêm vào đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã thăm Việt Nam. Tại các Hội nghị, Diễn đàn quốc tế, các cuộc gặp cấp cao cũng thường xuyên được tiến hành. Theo tôi, đây là một thông điệp thể hiện rằng quan hệ hai nước đã trở nên thân thiết, và sự tin tưởng lẫn nhau đã ở mức cao.
Trong vòng 1 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện các chuyến thăm tới Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, thảo luận về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề an ninh hàng hải, vấn đề Biển Đông... thể hiện mối quan tâm lớn của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế.
Đối với chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo tôi hai bên sẽ bàn bạc cụ thể phương hướng làm thế nào để thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Điều này thực sự có ý nghĩa lớn đối với quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
PV: Ông có nhận định gì về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?
Nguyên Đại sứ Mistuo Sakaba: Điều mà tôi quan tâm lớn nhất đó là quan hệ hợp tác giữa hai nước ở lĩnh vực ODA nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam. Hơn thế nữa, ở từng lĩnh vực khác nhau, hợp tác giữa hai nước cũng được phát triển mạnh mẽ.
Thực tập sinh sang Nhật Bản để học tập kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, lưu học sinh Việt Nam cũng đang tăng nhanh. Đặc biệt khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản cũng tăng nhanh, năm 2014 con số này lên tới khoảng 120.000 người. Dự kiến, năm 2015 khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản là khoảng 170.000 người.
Với ý nghĩa đó, theo tôi sự giao lưu giữa con người với con người, lòng tin giữa con người với nhau là vấn đề quan trọng nhất để tạo nền tảng và phát triển mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Dĩ nhiên, trong mối quan hệ nào cũng thế, đầu tiên là phải nói tới mối quan hệ chính trị, giữa các doanh nghiệp với nhau. Mặc dù vậy, theo tôi cần phải làm sâu sắc thêm mối quan hệ dựa trên văn hóa, đó mới là điều mấu chốt.
PV: Xin cảm ơn ông./.