Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Australia

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hôm nay (13/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Australia 2 ngày 13 và 14/10. Đây là chuyến thăm Australia đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

==> Australia cam kết thúc đẩy quan hệ với Việt Nam

Diễn ra trong thời điểm năm 2008, hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 - 26/2/2008) và quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam- Australia phát triển tốt đẹp, chuyến thăm nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, nâng quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, đặc biệt trong bối cảnh Australia vừa có chính phủ mới. Đây cũng là dịp để hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, khoa học- công nghệ, giáo dục- đào tạo, du lịch và y tế, thúc đẩy sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Australia đối với quê hương đất nước; trao đổi các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Chúng ta vui mừng nhận thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973), quan hệ song phương Việt Nam- Australia luôn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua việc tiếp xúc và trao đổi nhiều đoàn cấp cao như các chuyến thăm Australia của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1998), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999) và lần 2 (2005), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (2006), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngơại giao Nguyễn Mạnh Cầm (1995, 1997, 2000), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dự Hội nghị APEC (2007), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (2/2008), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (3/2008), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (5/2008); Các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Australia: Thủ tướng Paul Keating (1994), Toàn quyền Bill Hayden (1995), Thủ tướng John Howard trong dịp dự Hội nghị cấp cao APEC đã kết hợp thăm Việt Nam (2006), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Tom Fisher (1996), Bộ truởng Ngoại giao Alexander Downer đã thăm Việt Nam 6 lần (1996, 1997, 1998, 2000, 2001, 2003), Bộ trưởng Ngoại giao Stephen Smith (7/2008). Và gần đây nhất Thủ tướng Kevin Rudd đã chủ động điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6/2008), gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên lề Olympic Bắc Kinh (8/2008)…, quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường và phát triển.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (1990), Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư lẫn nhau (1991), Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập (1992), đã được bổ xung, sửa đổi năm 1996, Hiệp định bổ xung giữa hai Chính phủ về cung cấp hàng hoá (1993), Hiệp định về Dịch vụ Hàng không (1995) và Hiệp định Lãnh sự (2003). Hai nước cũng đã ký nhiều Thoả thuận và Bản ghi nhớ hợp tác quan trọng về: khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, trợ giúp pháp luật, môi trường, thể thao, dịch vụ xã hội, phòng chống tội phạm, giáo dục- đào tạo, Thoả thuận đối tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Australia… Nhờ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và khá nhanh, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 4,56 tỷ USD năm 2007, trong đó Việt Nam xuất 3,5 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD (Việt Nam xuất gần 2,9 tỷ USD), đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam hiện nay.

Thành tựu đổi mới tạo ra tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua, cùng với những tiềm năng của một nền kinh tế đang được bạn bè quốc tế coi là phát triển năng động và sự ổn định chính trị ở Việt Nam đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp Australia đến đầu tư và làm ăn hiệu quả tại Việt Nam. Cho đến nay, Australia đã có 174 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, đứng thứ 17 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, lâm ngư nghiệp.

Australia là nước có nền kinh tế công, nông nghịêp phát triển. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm chiếm 70%, công nghiệp 26%, nông nghiệp 4%.  GDP năm 2007 đạt gần 890 tỷ USD, thặng dư ngân sách ở mức 13 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.300 USD.

Khai thác tiềm năng của mối quan hệ Việt Nam- Australia, đưa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt ngày càng hiệu quả hơn là đòi hỏi mà quá trình phát triển của hai nước đang đặt ra. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Australia lần này là cơ hội để hai bên trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Với tiềm năng của mỗi nước, với mong muốn và nỗ lực của cả hai bên, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành công tốt đẹp, nâng tầm cao mới quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Australia, vì sự phồn vinh của nhân dân mỗi nước, cũng như góp phần vào sự phát triển phồn vinh, bền vững, vì hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên