Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Bangladesh
(VOV) - Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Sheikh Hasina sẽ thúc đẩy quan hệ quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay (2/11), Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, bà Sheikh Hasina, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục duy trì và phát triển, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Sheikh Hasina sẽ thúc đẩy quan hệ quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Bangladesh là quốc gia trẻ nhất Nam Á khi được thành lập vào năm 1971, sau khi tách ra khỏi Pakistan. 5 năm sau đó, Bangladesh thực thi chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết tích cực, có quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, Liên Xô và các nước XHCN, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.
Từ năm 1991, Bangladesh chuyển từ chế độ Tổng thống sang chế độ dân chủ nghị viện. Hiện nay, Chính phủ của bà Sheikh Hasina có uy tín ngày càng tăng khi các chính sách điều hành đất nước phát huy hiệu quả, nâng cao đáng kể đời sống người dân.
Trong những năm qua, kinh tế Bangladesh liên tục tăng trưởng cao và đạt mức 6,7% trong năm tài khóa 2011 và dự kiến đạt 7% trong năm nay. Thương mại là một trong những lĩnh vực đóng góp nguồn thu quan trọng cho Bangladesh, khi mang về gần 12 tỷ USD trong năm 2007 và 16 tỷ USD vào năm 2009.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt là quần áo may sẵn, nông sản, đồ đông lạnh, dược phẩm, điệu tử… được xuất sang các thị trường khẩu chính là Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia và Nhật Bản. Viện trợ nước ngoài cũng là khoản thu quan trọng của Bangladesh khi nước này nhận được hơn 30 tỷ USD kể từ khi giành độc lập vào năm 1971.
Xuất khẩu lao động là một thế mạnh của Bangladesh với 2 triệu người đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm thu về khoản tiền lớn, lên tới 10 tỷ USD vào năm 2010 và 14 tỷ USD vào năm 2011. Thu hút hơn 63% lực lượng lao động, nông nghiệp đóng góp hơn 20% vào Tổng sản phẩm quốc nội của Bangladesh, trong khi tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp đạt gần 30%.
Chính phủ Bangladesh thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước để khẳng định Bangladesh là một quốc gia ổn hòa, tích cực đóng góp vì sự hòa bình và an ninh của thế giới.
Bangladesh coi trọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng Nam Á, thực thi chính sách hướng Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, đồng thời mở rộng và cân bằng quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước Tây Âu, Nhật Bản.
Việt Nam và Bangladesh có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Tuy nhiên, ngay từ trước thời điểm này, Bangladesh đã quan tâm, theo dõi và ủng mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước tăng cường hợp tác thông qua việc trao đổi nhiều đoàn ở nhiều cấp khác nhau. Trao đổi thương mại và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế là những điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Mặc dù kim ngạch thương mại chưa cao, đạt khoảng hơn 480 triệu USD trong năm 2011 nhưng xét về tỷ lệ, thì kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn giữa hai nước khi tăng hơn 70% so với năm 2010.
Việt Nam và Bangladesh đã và đang hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế như LHQ, Phong trào không liên kết, ASEAN… Bangladesh ủng hộ Việt Nam làm ứng cử viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2008-2009 còn Việt Nam ủng hộ Bangladesh tham gia vào Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Sheikh Hasina sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam nhằm phát huy lợi thế của mỗi nước, qua đó góp phần vào sự phát triển của cả Bangladesh và Việt Nam./.