Thực hiện nghiêm giảm biên chế giai đoạn 2022 - 2026
VOV.VN - Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm cho các cơ quan của hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết điều này khi thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ.
Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế
Giai đoạn 2015-2021, để bảo đảm thực hiện mục tiêu “tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao so với năm 2015” theo yêu cầu của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức); ban hành theo thẩm quyền 10 Nghị định trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế và tinh giản biên chế.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Thông tư hướng dẫn quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm.
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.530 biên chế, tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015 (275.252 người), đạt mục tiêu.
Số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% (trong đó, bộ, ngành giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%; địa phương giảm 196.145 người, tương ứng 10,51%), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Theo Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã giao thẩm quyền quản lý biên chế cho: Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy.
Ban cán sự đảng Chính phủ trực tiếp quản lý biên chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng (cơ quan có thẩm quyền giao, quản lý biên chế của các khối, ngành của hệ thống chính trị không quản lý biên chế dự phòng như giai đoạn trước).
Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu, ban hành từ lâu (trước Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) nhưng chưa được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục và đào tạo (chiếm tỷ trọng gần 80% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Một số cơ quan, tổ chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo cơ chế đặc thù (người làm việc chưa được tính trong chỉ tiêu biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao) nên cần báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp thống nhất quản lý.
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm các Quy định và Kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi định mức học sinh/lớp, định mức giáo viên/lớp cho phù hợp với việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đặc điểm, điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa bàn, khu vực, địa phương.
Bộ Nội vụ báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển, giao, bổ sung biên chế công chức ở một số cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bố trí biên chế sự nghiệp làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước.