Thượng Nghị sĩ Konstantin Kosatriov: IPU 132 sẽ rất thiết thực
VOV.VN -Ông Konstantin Kosatriov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện Nga dự IPU 132 tại Việt Nam.
Hôm qua (27/3), ngay trước giờ lên đường sang Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới được tổ chức tại Hà Nội, Thượng Nghị sỹ Konstantin Kosatriov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Nga, trưởng đoàn đại biểu Nghị viện Nga tham dự IPU 132, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga.
PV: Thưa Ông, ngày 28/3, tại Việt Nam sẽ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một sự kiện quốc tế lớn như vậy. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
Ông Kosatriov, Trưởng đoàn Nghị Viện Nga dự IPU 132 tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga
Ông Konstantin Kosatriov: Tôi rất vui mừng khi chuẩn bị sang Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện Thế giới lần thứ 132. Đây là một cơ quan đại diện lớn của các Nghị viện các nước và rất có tiềm năng. Tiềm năng bởi đây là nơi quy tụ các đoàn Nghị viện ở cấp quốc gia. Đây không chỉ là một cơ chế đơn giản mà nó kết hợp vào đây những dự án cho tương lai.
Mỗi kỳ họp của Đại hội đồng có một chủ đề riêng của mình và chủ đề lần này ở Việt Nam là vấn đề phát triển bền vững thì đó là một chủ đề đang rất cấp bách hiện nay. Tôi hình dung ra nội dung được đề cập tại Hội nghị lần này diễn ra ở Hà Nội, Việt Nam, một đất nước mà trong những năm gần đây đang có sự phát triển rất vững vàng, một đất nước đã vượt qua được những cơn chấn động tài chính, đất nước có chiến lược phát triển, đất nước mà một mặt biết sử dụng tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình, mặt khác đã biết tận dụng tốt những lợi thế địa, chính trị của mình cho phát triển và biết sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường.
Với những cảm nhận đó, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ là nơi rất tốt để hội tụ về đây các đoàn đại biểu nghị viện thế giới, để có thể chia sẻ những nội dung về phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới và các đoàn đại biểu nghị viện có thể trao đổi trực tiếp với nhau những vấn đề liên quan đến chủ đề phát triển bền vững này. Tôi nghĩ rằng, Hội nghị sẽ rất thiết thực, rất thú vị.
PV: Chủ đề của Đại hội đồng IPU lần thứ 132 này được Việt Nam chọn là “Nghị viện và việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững sau năm 2015”. Xin ông cho biết quan điểm của Nghị viện Nga cũng như chính quyền Nga đối với vấn đề này thế nào?
Ông Konstantin Kosatriov: Nước Nga từ giữa những năm 2000 (2005-2006) đã chuyển sang chiến lược quốc gia từ tiếp nhận sang thúc đẩy sự tác động lẫn nhau trong chương trình tài trợ. Trên quan điểm đó chúng tôi tăng cường các mối quan hệ với các nước đang tiếp tục sự nghiệp phát triển riêng của mình. Bởi vì đối tượng của sự phát triển bền vững là những nước đang không thể giữ được sự phát triển của mình.
Ở đây, điều rất quan trọng là các quốc gia này phải có được những chương trình cấp quốc gia cho sự phát triển và một mặt các quốc gia rất cần sự tư vấn, nhưng mặt khác cần có sự ủng hộ cho những đề án phù hợp với nguồn tài nguyên, phù hợp với khả năng sẵn có. Bởi vậy Nga là một bên tích cực tham gia những hoạt động được Liên hợp quốc đề ra và ở Nga đã là năm thứ 3 thực hiện những nội dung mà Tổng thống Liên bang Nga đã phê chuẩn Công ước về thúc đẩy liên kết quốc tế trong phát triển.
Đối với mọi quốc gia, để phát triển bền vững rất cần có những bước đi mang tính dân chủ hóa, tôn trọng quyền con người nữa và tôi đã thấy, trong các chương trình nghị sự rất cần đặt ra vấn đề này để cùng đi đến sự thống nhất chung là phát triển bền vững. Đây không phải là vấn đề chính trị mà nó là kinh tế - xã hội, là phục vụ mục tiêu phát triển. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, vấn đề này rất cần được trao đổi cởi mở ở diễn đàn lần này ở Việt Nam, ở diễn đàn Liên hợp quốc vào tháng 9 tới và nhiều diễn đàn khác nữa.
PV: Xin ông cho biết, sự chuẩn bị của đoàn đại biểu Nghị viện Nga tham dự Đại hội đồng IPU tại VN thế nào? Ông kỳ vọng gì về kết quả của Đại hội đồng?
Ông Konstantin Kosatriov: Chúng tôi đã chuẩn bị rất nghiêm túc cho hoạt động này và đã có những cuộc tham vấn song phương cả ở Hà nội để cùng thống nhất về những giải pháp, những nội dung của chủ đề lần này. Chúng tôi cũng chuẩn bị những sáng kiến riêng của mình và sẽ nêu những đề xuất để thông qua tại Đại hội.
Một trong những nội dung đó liên quan đến việc vào mùa thu năm nay nhân loại sẽ kỷ niệm tròn 70 năm kết thúc cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2 và nhân dịp đó sẽ cùng đưa ra và bàn thảo tại Liên hợp quốc những nội dung liên quan đến thế giới hiện đại. Chúng ta cũng cần xem xét về một tổ chức thế giới nào thực sự cần thiết để có tiếng nói thực sự có trọng lượng trong việc thực thi các nghị quyết, có khả năng huy động mọi nguồn lực trong mối quan hệ quốc tế để thực hiện những vấn đề liên quan đến toàn thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!./.