Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự khai giảng Đại học Luật TPHCM
VOV.VN - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh đề nghị nhà trường đào tạo luật phải gắn liền thực tiễn
Sáng nay (3/10), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh đã tham dự lễ khai giảng năm mới tại trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong 2 trường được Bộ Chính trị xác định là trọng điểm trong đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ Chiến lược cải cách tư pháp.
Trường Đại học Luật thành phố là cơ sở đào tạo luật có quy mô lớn với trên 16.000 sinh viên, ở cả 3 bậc: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trường có 4 ngành đào tạo là luật, quản trị kinh doanh, quản trị-luật và ngôn ngữ tiếng Anh pháp lý. Từ năm 1996 đến nay, Trường đã cấp bằng Cử nhân luật cho khoảng 40.000 sinh viên hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học, hàng ngàn thạc sĩ luật và nhiều tiến sĩ luật. Riêng năm học mới này, tính đến nay có 1.548 sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học trên tổng số 1.500 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 103,2%.
Thời gian tới, cùng với việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tập trung xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, chú trọng các môn kỹ năng cho sinh viên, tăng kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về hoạt động tư pháp, kế hoạch lập pháp của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật. Trường cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, từng bước nâng cao vị thế trong các cơ sở đào tạo luật của khu vực ASEAN.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh đề nghị nhà trường phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy và nhất là đào tạo luật phải gắn liền thực tiễn: “Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo và sinh viên của trường cần quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục – đào tạo, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với các tổ chức hoạt động thực tiễn pháp lý”./.