Thụy Sĩ- đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu

Chiều 18/5 (theo giờ Hà Nội), tại lâu đài Lohn ở thủ đô Bern, diễn ra lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ. 

>> Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ Việt Kiều tại Thụy Sĩ

Ngay sau lễ đón, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế, đưa Việt Nam thành cường quốc trong tương lai. Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm Thụy Sĩ lần đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và hai nước chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh và đánh giá cao quyết định của phía Việt Nam lập nhóm nghiên cứu khả thi hỗ trợ đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) tiến tới khởi động đàm phán FTA nhằm tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ nói riêng và Việt Nam với EFTA nói chung.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chân thành cảm ơn Nhà nước và nhân dân Thụy Sĩ về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo và nhân văn.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở phát triển quan hệ trên các lĩnh vực khác; phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ vào năm 2011.

Hai bên hoan nghênh và đánh giá cao sự phát triển tích cực của quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, đưa Thụy Sĩ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu (năm 2009, thương mại hai chiều đạt 2,6 tỷ USD, đứng thứ 2 trong châu Âu; FDI đạt 1,43 tỷ USD, đứng thứ 4 trong châu Âu). Tuy nhiên, hai bên cũng nhất trí cho rằng hợp tác thương mại - đầu tư chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước.

Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh, thâm nhập vào thị trường của nhau. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam nguồn ODA quý báu và hiệu quả trong thời gian qua, cũng như đã cam kết duy trì ODA cho Việt Nam trong thời gian tới. Phía Thụy Sỹ thông báo tiếp tục duy trì viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam, nhưng sẽ thay đổi cơ cấu theo hướng tập trung vào hợp tác và đối tác kinh tế, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và hợp tác về môi trường; nhất trí tăng cường hợp tác phát triển mô hình đầu tư Hợp tác công - tư (PPP).

Hai bên hoan nghênh và đánh giá cao việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục - đào tạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của hai nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam sang học tại Thụy Sĩ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn Tổng thống, Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã và đang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn và học tập tại Thụy Sĩ.

Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Việt Nam hoan nghênh Thụy Sĩ cử Đại sứ bên cạnh ASEAN và ủng hộ Thụy Sĩ tăng cường quan hệ hợp tác với tổ chức này; hoan nghênh và tin tưởng Thụy Sĩ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp vào tháng 10/2010 tới đây.

Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh và đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, nhất là việc Việt Nam gia nhập WTO và những đóng góp quan trọng của Việt Nam trên cương vị Ủy viên HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 -2009 vừa qua, cũng như đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2010.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard cũng đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Thụy Sĩ chứng kiến lễ ký Hiệp định giữa hai chính phủ về việc cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện được làm việc có thu nhập ở nước sở tại và Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa hai nước.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Doris Leuthard họp báo thông báo kết quả hội đàm. Tổng thống Doris Leuthard khẳng định, chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Liên bang Thụy Sĩ đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Doris Leuthard nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam đạt được những thành tựu vượt bậc trong xây dựng đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả đó là cố gắng, đồng thời thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Thụy Sĩ vui mừng có đóng góp phần nhỏ bé vào thành công đó của Việt Nam.

Về phần mình, Tổng thống Doris Leuthard cũng khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng, hữu nghị, đáng tin cậy của Thụy Sĩ, là một trong những nước được Thụy Sĩ ưu tiên quan hệ và viện trợ phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm của Chủ tịch nước không chỉ nâng quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ lên tầm cao mới mà còn giúp người dân Thụy Sĩ và các nước châu Âu hiểu biết hơn và có cách nhìn mới về Việt Nam, một đất nước có tiềm lực kinh tế, là điểm hấp dẫn về du lịch.

Về hợp tác kinh tế giữa hai nước, Tổng thống Doris Leuthard nêu rõ: “Đến bây giờ, Thụy Sĩ nhập khẩu vàng, nữ trang và sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Về nông nghiệp, thị trường có thể cùng nhau phát triển là xuất khẩu trà, cà phê, gạo của Việt Nam. Nestle tái chế và bán tại nước ngoài. Sản phẩm nông nghiệp là tiềm năng phát triển trong hợp tác kinh tế. Việt Nam hiện nay phát triển công nghiệp, sản xuất ra một số thiết bị máy móc. Việt Nam cần máy móc công nghiệp, Thụy Sĩ có nhiều kinh nghiệm, các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Thụy Sĩ  là nước phát triển về dịch vụ, trong đó có tài chính, hậu cần vận tải. Việt Nam và Thụy Sĩ có môi trường hết sức tiềm năng để hợp tác”.

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Thụy Sĩ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết: “Việt Nam đã thành lập ban soạn thảo để nghiên cứu hiệp định giữa Việt Nam và EFTA. Đề án này được Tổng thống Thụy Sĩ cũng như Việt Nam hết sức quan tâm. Việt Nam mong muốn không chỉ tăng cường hợp tác song phương, mà còn cả hợp tác giữa ASEAN với Thụy Sĩ. Việt Nam mong muốn các cơ quan tăng cường hợp tác với nhau, đặc biệt năm 2011 hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vịêt Nam mời các đoàn văn hóa của Thụy Sĩ sang dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Cuối buổi chiều nay (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Thụy Sĩ mở tiệc chiêu đãi trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên