Tiền Giang cần đột phá vào hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế

Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển nhanh bền vững, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải tập trung vào 3 khâu đột phá là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường.

Chiều 19/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã thăm và làm việc tại tỉnh Tiền Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm, thống nhất định hướng và các biện pháp trọng tâm tập trung điều hành trong thời gian tới.

Một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với tỉnh này là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và sức cạch tranh các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh.  

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang

Triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang từ đầu năm đến nay đạt 9%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Nổi bật là sản xuất nông nghiệp với sản lượng thu hoạch lúa, nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng so với cùng kỳ, trong đó Tiền Giang đã thu hoạch trên 560.000 tấn lúa. Hai sản phẩm này cũng đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp cũng tăng gần 16%, đáng chú ý kinh tế ngoài quốc doanh đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang: khó khăn nổi cộm hiện hiện nay là tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, trong khí đó giá cả nông sản lại không ổn định; giải phóng mặt bằng khó khăn cản trở phát triển hạ tầng các khu công nghiệp. Tiền Giang có 700 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, chủ yếu là doanh nghiệp chế biến lương thực và xuất khẩu thủy sản...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang không chỉ triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp chỉ đạo của Trung ương mà còn phát huy tiềm năng lợi thế nông nghiệp, để duy trì được mức tăng cao trong bối cảnh khó khăn chung.

Thủ tướng nêu rõ: muốn phát triển nhanh bền vững, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải tập trung vào 3 khâu đột phá là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường huy động các nguồn lực để phát triển.

Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang báo cáo Thủ tướng

Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần năng động sáng tạo, tính toán huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, điện, thủy lợi, trạm y tế, trường học và hạ tầng đô thị…

Thủ tướng phân tích rõ tiềm năng lợi thế của Tiền Giang là nông nghiệp, mà cụ thể là trái cây, lúa gạo, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản… Không có cách nào khác là tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển gắn với ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất mới có thể tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạch tranh các sản phẩm thế mạnh này của Tiền Giang, đồng thời tính toán mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo thu nhập cho người nông dân…

Xây dựng các trung tâm chế biến gạo và nông sản hiện đại, liên kết chặt chẽ hơn nhằm tận dụng lợi thế kênh Chợ Gạo cho phép vận tải nguyên liệu (lúa và các loại nông sản) khối lượng lớn của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với chi phí rẻ và tiết kiệm thời gian.

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng lưu ý tỉnh Tiền Giang quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực; chăm lo đối tượng chính sách và giảm tỷ lệ hộ nghèo với các biện pháp cụ thể và thiết thực đối với từng hộ nghèo.

Thủ tướng lưu ý các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, đặc biệt là liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng phải bám sát và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, giải quyết có tình, có lý và tính toán phương án hỗ trợ người dân thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã đưa ra định hướng giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Tiền Giang liên quan đến đầu tư một số dự án phát triển cơ hạ tầng cấp bách như kênh Chợ gạo, cầu Mỹ Lợi và quốc lộ 50 - nối Tiền Giang với Long An, cũng như tháo gỡ khó khăn đối với dự án Nhà máy nước BOO Đồng Tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên