Tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế
Kinh tế xã hội 7 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực và đồng bộ cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và đang bước sang giai đoạn tăng tốc.
Đây là nhận định đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra trong ngày 4 và 5/7 tại Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kết quả phát triển kinh tế xã hội 7 tháng qua tạo tiền đề thuận lợi để cả nước phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KTXH đã đề ra trong cả năm 2009.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương không được chủ quan lơ là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp kích thích nền kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Trên cơ sở điều hành trực tiếp các lĩnh vực được giao và báo cáo tổng hợp của Bộ kế hoạch và đầu tư tại phiên họp, các thành viên Chính nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế xã hội nước ta trong tháng 7 và 7 tháng qua tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực và đồng bộ trên cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Nhờ tập trung điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp kích cầu của Chính phủ nên nền kinh tế vĩ mô cơ bản được kiểm soát và ổn định; đảm bảo tốt các phúc lợi và an sinh xã hội. Nổi bật trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế của đất nước là đà tăng trưởng liên tục từ tháng 2 đến nay, gần đây là sự phục hồi nhanh chóng của ngành xây dựng, giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng liên tục trong 6 tháng qua.
Tính chung 7 tháng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước đã đạt hơn 382 nghìn tỷ đồng, tăng trên 5%. Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.
Nền kinh tế thế giới suy thoái, các nước thu hẹp dần đầu tư nhưng 7 tháng qua Việt Nam vẫn có 510 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với số vốn lên tới trên 10 tỷ USD… Con số này một lần nữa minh chứng rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài ngay cả trong lúc khó khăn nhất.
Trên cơ sở dự báo triển vọng của nền kinh tế thế giới và những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong nước cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và đang bước sang giai đoạn tăng tốc nên việc chuẩn bị các kịch bản để đón đầu cả cơ hội và thách thức thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế thế giới là điều cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kinh tế xã hội 7 tháng qua với nhiều chuyển biến tích cực như vậy là tiền đề thuận lợi để cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong cả năm 2009.
Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương không được chủ quan, lơ là, bám sát các chỉ tiêu KTXH đã đề ra để chỉ đạo và điều hành, đồng thời theo dõi sát diễn biến của tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn nổi lên trên các lĩnh vực cần tập trung khắc phục trong 2 quý còn lại của năm nay. Đó là xuất khẩu 7 tháng qua giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ còn chậm; thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác giải quyết khiếu kiện chưa dứt điểm; Chính phủ vẫn còn nợ 40 Nghị định và một số thông tư hướng dẫn thi hành Luật…
Với quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 5% và phấn đấu cao hơn, điều hành bội chi ngân sách và lạm phát không quá 7%, các chỉ tiêu khác vượt kế hoạch đề ra trong năm 2009, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chính sách tài khóa, miễn-giảm thuế, hỗ trợ các đối tượng nghèo…
Chưa nên đặt vấn đề thay đổi hay điều chỉnh chính sách kích cầu tại thời điểm này, Thủ tướng khẳng định như vậy và nhấn mạnh các chính sách hiện có đã và đang phát huy tác dụng. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt lưu ý đến sản xuất nông nghiệp vì đây là yếu tố cơ bản đảm bảo sự ổn định của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTN chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo diện tích và sản lượng lúa, tăng cường công tác phòng chống lụt, bão, ngăn chặn dịch bệnh trong chăn nuôi, tiêu thụ nông sản đảm bảo thu nhập ổn định và có lãi cho bà con nông dân.
Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước phải có vai trò tích cực trong tiêu thụ nông sản. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ thực hiện yêu cầu này như phát triển thị trường, xây dựng các kho chứa cũng như mở các kho ngoại quan để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Liên quan đến đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu phát triển các cơ quan đại diện ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó chú ý đến mặt hàng gạo và cá tra nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA…
Đây là yếu tố quan trọng không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế trong năm nay mà còn tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Vấn đề là phải tăng cường giám sát chất lượng các công trình, dự án không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí nhất là tại các dự án nhóm A liên quan đến các dự án hồ thuỷ điện, nhà máy điện và xi măng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai thiết thực các biện pháp hỗ trợ 61 huyện nghèo; quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống cúm A H1N1 không làm cho người dân hoang mang nhưng cũng không được chủ quan, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân biết và tự phòng tránh dịch bệnh.
Thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng trước thực trạng nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh phải nằm chờ tài trợ mới được phẫu thuật. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế giải quyết dứt điểm ngay tình trạng này và nhà nước sẽ có trách nhiệm đối với các em.
Xót xa trước 1.450 ha rừng đã bị xoá sổ trong 7 tháng qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng; yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường tập trung giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước và rác thải gắn với xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực này; Ngành công thương kiểm soát chặt chẽ mặt hàng sữa, không để tình trạng lộn xộn về giá; Ngân hàng nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ các sàn giao dịch vàng; Bộ Giao thông vận tải và thành phố Hà Nội phối hợp giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3, cầu Nhật Tân cũng như đường cao tốc nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội quản lý cho được việc giết mổ tập trung nhằm đảm bảo môi trường sống cho nhân dân.
Bên cạnh hoàn thành sớm các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các bộ, ngành cũng như các địa phương khẩn trương công bố công khai Bộ thủ tục hành chính, trong đó tập trung làm sớm trong lĩnh vực hải quan; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; giải quyết dứt điểm các điểm nóng về khiếu kiện, kiên quyết đấu tranh dẹp bỏ và nghiêm trị các hành vi chống phá Nhà nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị kế hoạch vốn, kế hoạch đầu tư 2010 gắn với đề xuất cơ chế huy động vốn trình Chính phủ.
Một lần nữa Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho báo chí. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền nhưng thông tin phải chính xác, định hướng đúng dư luận góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực phấn đấu thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo Nghị định qui định việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế, dự án Luật thuế tài nguyên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và một số dự án Luật quan trọng khác./.