Tiết kiệm 10.000 tỷ đồng từ giảm công tác nước ngoài: Không chỉ là biện pháp tình thế
VOV.VN - Hơn 10.000 tỷ đồng tiền thuế của dân đã được tiết kiệm trong năm 2020 nhờ giảm các chuyến công tác nước ngoài và hội nghị trực tiếp. Số liệu vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ngành đã siết chặt chi tiêu, như chi cho hội nghị hội thảo, đi công tác nước ngoài cắt giảm tối thiểu 70% và cắt giảm thêm 10% chi phí ngoài lương. Nhờ đó, ngân sách Trung ương đã tiết kiệm chi trên 10.000 tỷ đồng và có nguồn để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh.
Đáng chú ý là tiết giảm hội họp trực tiếp, tiết giảm tiền tiếp khách, công tác nước ngoài, nhưng công tác điều hành, chỉ đạo từ Trung ương, các bộ ngành cho tới địa phương vẫn thông suốt, nền kinh tế vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Điều dư luận quan tâm là làm sao để duy trì sự tiết kiệm hiệu quả này, không chỉ trong đợt dịch COVID-19 mà phải là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Trên bình diện cả nước, đây là một con số ý nghĩa trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn kép là đại dịch COVID-19 và mưa lũ thiên tai kỷ lục ở miền Trung.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Lê Như Tiến đánh giá: “10.000 tỷ đồng rất lớn và dành cho những nhu cầu thiết yếu hơn, như an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và tập trung vào những lĩnh vực đang nóng là y tế, giáo dục… Con số 10.000 tỷ nói lên một điều rằng, nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta vẫn tiết kiệm được”.
Điều ấn tượng nữa là trong khi tiết kiệm 10.000 tỷ này từ tiết giảm các đoàn công tác nước ngoài, tiết giảm hội họp trực tiếp, lại không ảnh hưởng nhiều tới nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước, của bộ ngành và của địa phương. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức cao, Việt Nam là một số ít nền kinh tế tăng trưởng dương trên thế giới; hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, trực tuyến diễn ra thường xuyên hơn, tích cực hơn; doanh nghiệp vẫn kiếm được đơn hàng từ đối tác mà không cần quan chức cất công đi công cán sang tận nước bạn. Hội họp trực tiếp giảm nhưng điều hành từ trung ương tới địa phương vẫn thông suốt và có phần quyết liệt hơn mọi năm.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An cho rằng, đây là thành quả lớn trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó, đất nước đang phải tiết kiệm từng đồng để mua thiết bị y tế… phòng chống dịch. “Chúng ta cần phải rà soát lại xem những năm vừa rồi, các chuyến đi công tác nước ngoài của ngành nào, của địa phương nào hiệu quả hay không hiệu quả hay chỉ là để giải quyết vấn đề chế độ”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng cũng cho rằng: “Tổng kết năm của các Bộ ngành, các cơ quan đoàn thể rất tốn kém. Nếu chúng ta họp trực tuyến sẽ tiết kiệm rất nhiều, thậm chí theo tôi nghĩ chúng ta không cần thiết phải họp tổng kết năm vì chủ yếu chỉ là gặp mặt đánh giá và chỉ họp báo để công bố ngành mình đạt được cái gì, do vậy, các cơ quan không nhất thiết phải tổ chức tổng kết để chi tiền vé máy bay, ăn ở đi lại chỉ để lên đọc bài tham luận”.
Tiết kiệm ngân sách Nhà nước cần tính thêm việc tổ chức hội họp, các dịp lễ kỷ niệm tổng kết cuối năm, động thổ hay khánh thành… có thể tốn kém tới hàng tỷ đồng. Cần phải có tiếng chuông cảnh báo hơn nữa, để thực hiện tiết kiệm hơn ở trong các lĩnh vực như làm hội trường, cổng chào, tượng đài… tốn tới hàng trăm tỷ của Nhà nước.
Tiết kiệm hơn 10.000 tỷ đồng - một con số ấn tượng. Nhưng đây mới chỉ là thống kê từ việc tiết kiệm ngân sách. Nếu tính cả các khoản chi phí mà doanh nghiệp tiết kiệm được nhờ không phải “góp tiền” đài thọ cho các lãnh đạo địa phương đi công tác thì con số đó còn lớn hơn nhiều. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giảm công tác, hội họp không những tiết kiệm được tiền của, mà còn có một ý nghĩa lớn hơn cả tiền.
“Không chỉ là tiết kiệm được tiền mà còn là phương thức làm việc thể hiện được việc ứng dụng công nghệ thông tin thực tế. Dịch bệnh đã thúc ép từng địa phương, Bộ ngành ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chỉ đạo điều hành, hội họp, qua đó tạo ra một tác phong làm việc mới hiệu quả, không tốn kém, không dềnh dang. Vừa qua chúng ta đã chứng kiến việc ký kết thông qua họp trực tuyến, không chỉ ở các địa phương mà còn các thỏa thuận quốc tế. Cái đó có ý nghĩa rất lớn…”, ông Tiến Dĩnh nói.
Theo phân tích của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, chỉ khi có sự nêu gương của người đứng đầu từng cấp, từng đơn vị; sự công khai minh bạch chuyến đi và cả kết quả chuyến đi để cán bộ nhân viên trong từng cơ quan đơn vị và người dân giám sát, khi đó chuyện tiết kiệm chi thường xuyên từ các khoản công tác nước ngoài và hội họp mới đi vào nếp, thay vì chỉ là biện pháp tình thế trong lúc khó khăn như hiện nay. Và rộng ra, khi từng khâu, từng việc, mỗi cơ quan đơn vị cân nhắc thiệt hơn, tính toán kỹ lưỡng thì đất nước mỗi năm tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng để dồn đầu tư cho phát triển và nhiều nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách khác./.