Tìm định hướng giúp Thái Nguyên phát triển bền vững

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Cơ cấu tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp ở Thái Nguyên là đúng đắn. Tuy nhiên trong phát triển công nghiệp cũng cần nhìn nhận rõ thế mạnh đặc thù của địa phương

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên, chuẩn bị nội dung dự thảo báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và dự thảo báo chính trị trình Đại hội lần thứ 11 của Đảng, hôm nay (31/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh, cùng đoàn công tác của Tiểu Ban đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đánh giá cao truyền thống cách mạng và những kết quả mà Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong công cuộc đổi mới cũng như triển vọng phát triển trong thời gian tới. Việc mỗi năm tỉnh chọn 1 mô hình, khẩu hiệu làm khâu đột phá để tập trung thực hiện cho được là rất trúng.

Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2006-2009 tăng 11%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng của Trung ương. Nhận thức rõ nhất là những đổi mới tư duy trong cán bộ, đảng viên đối với chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Qua thực tế ở Thái Nguyên, cho thấy nội dung Cương lĩnh 1991, Nghị quyết của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt và đời sống của nhân dân. Đảng bộ tỉnh vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa chú trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực. Qua đánh giá hàng năm cho thấy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt, số cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng lên hơn 75% trong nhiệm kỳ… Đây cũng là một trong những nội dung mà Chủ tịch Quốc hội gợi mở với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tại buổi làm việc.

Về phát triển kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Thái Nguyên là tỉnh có nền công nghiệp phát triển từ rất sớm và hiện nay đang tiếp tục chuẩn bị ra đời nhiều khu công nghiệp. Cơ cấu tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên trong phát triển công nghiệp, cũng cần nhìn nhận rõ thế mạnh đặc thù của địa phương để tìm ra định hướng.

Ngoài công nghiệp, thì tiềm năng của Thái Nguyên còn là đất đai, sản xuất hàng hoá và nguồn lao động. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể được xác định là chủ lực và nền tảng, trong nền kinh tế quôc dân nhưng trên địa bàn tỉnh hiện các thành phần kinh tế này chưa thực sự phát huy vai trò. Tỉnh Thái Nguyên cũng cần phát huy ưu thế có vị trí cầu nối giữa thủ đô Hà Nội, vùng xuôi với miền núi; ưu thế về chất lượng nguồn nhân lực, giữ gìn đoàn kết, bản sắc văn hoá các dân tộc...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trả lời được những vấn đề này không phải một sớm, một chiều mà cần tổng kết, rút kinh nghiệm. Đó chính là định hướng phát triển bền vững của đảng bộ tỉnh và cũng là cơ sở quan trọng để Trung ương hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 11.

Để hiểu sâu sắc hơn những kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và định hướng phát triển công nghiệp của Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã làm việc tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Khu Công nghiệp Sông Công.

Tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên trong đoàn đã tìm hiểu một số vấn đề về quá trình thực hiện cổ phần hoá, cơ chế quản lý vốn, đào tạo nhân lực, hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể sau cổ phần, trách nhiệm đóng góp với địa phương. Chủ trương cổ phần hoá đã được Công ty triển khai một cách thận trọng, thực hiện dân chủ. Sau khi hoàn thành cổ phần hoá tại các đơn vị thành viên, đến ngày 1/7/2009, Công ty đã hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng cổ phần hoá toàn công Công ty, Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Mặc dù cán bộ công nhân viên đã giảm khoảng 6.000 người do sắp xếp tổ chức lại bộ máy, nhưng tăng trưởng từ 10-16% so với năm 2008, thu nhập đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay một số cổ đông do điều kiện kinh tế đã không giữ được cổ phiếu mà bán ra ngoài, có công ty bán tới 60%, ảnh hương tới quyền làm chủ của người lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những kết quả mà Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên đã đạt được minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương cổ phần hoá, nếu như có cách làm đúng và sáng tạo. Hiệu quả của nó thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năng trước, thu nhập người lao động ngày càng tăng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, quan trọng là phải phát huy được vai trò 65% vốn Nhà nước trong Công ty.

Để cạnh tranh và phát triển thì cần cao chất lượng sản phẩm. Muốn vậy trách nhiệm của cả bộ máy tổ chức, nhất là những người đứng đầu công ty có vai trò quyết định. Việc duy trì thực hiện quy chế của Công ty cổ phần cần tiếp tục duy trì, thực hiện gắn với chăm lo quyền lợi công nhân viên, người lao động; chú trọng bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần không ngừng quan tâm xây dựng Đảng, đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên, xây dựng những điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là những nội dung mà Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện nêu ra tại buổi làm việc với ban quản lý và một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên