Tình hình kinh tế xã hội chuyển biến đúng hướng
(VOV) -Ngày 29/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012, đồng thời đề ra giải pháp phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.
Tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng qua có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy và đạt kết quả.
Mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm mạnh từ 2,2% trong tháng 9 xuống còn 0,47% trong tháng 11. Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt gần 104 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7 % so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống dần được đẩy lùi.
Tuy nhiên các thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại.
Tín dụng tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức thấp; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và có nguy cơ tăng; việc triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng yếu kém còn chậm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này có khoảng 46.500 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; Đồng thời tích cực, khẩn trương chuẩn bị, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 một cách sâu sát, cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thuốc, sữa, xăng dầu, thực phẩm, và hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới; tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi xuất theo mức độ giảm của lạm phát; rà soát các khoản thu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, giữ được mức bội chi ngân sách nhà nước. Đồng thời tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu, hàng tồn kho mà trực tiếp là bất động sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thời điểm này phải làm thế nào một ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu bằng cách trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Ngân hàng nào chưa trích đủ lập dự phòng rủi ro phải bắt buộc phải trích thậm chí trích vào vốn điều lệ cũng phải làm để xử lý nợ xấu. Vấn đề này cần được ưu tiên. Bên cạnh đó cần giải toả phần bất động sản có thể đưa vào thị trường, nhất là nhà ở xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho phát triển nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là đối với những sản phẩm lợi thế…
Thủ tướng yêu cầu ngay từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Tết nguyên đán, trong đó lưu ý tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình Tết cho người nghèo; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; triển khai hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong dịp cuối năm.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chấm dứt tình trạng nhập gia súc, gia cầm lậu.
Cũng trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012 – 2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú./.