Tô Hiệu – người gieo hạt giống đỏ cách mạng từ bóng tối của nhà ngục Sơn La

VOV.VN - Tô Hiệu – người gieo hạt giống đỏ cách mạng từ bóng tối của nhà ngục Sơn La đã đi xa, nhưng “tinh thần Tô Hiệu” vẫn đang được thắp lên trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La.

Ra đi ở tuổi 32, cuộc đời đồng chí Tô Hiệu tuy ngắn ngủi nhưng những cống hiến cho cách mạng của đồng chí thật to lớn. Ông là tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng chói sáng. Cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn còn đó, xanh tươi như một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù cộng sản…

Bên cây đào Tô Hiệu hiên ngang nơi xà lim nhà ngục, lời giới thiệu truyền cảm, xúc động của thuyết minh viên Bảo tàng Sơn La đưa người nghe trở lại một thời kỳ hào hùng của những người tù cộng sản năm xưa, trong đó có người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tô Hiệu.

Tô Hiệu sinh ngày 7/3/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927 Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu.

Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến năm 18 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo; ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến cuối năm 1939, ông một lần nữa bị kết án 5 năm tù và đày lên nhà tù Sơn La.

Trung tuần tháng 2/1940, từ yêu cầu cấp bách phải thành lập một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, tổ chức đấu tranh trong ngục tù, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập. Đến tháng 5/1940, Chi bộ nhà tù Sơn La bí mật tổ chức Đại hội lần thứ nhất và bầu Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ nhà tù đã quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân; tổ chức dạy, huấn luyện quân sự; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng… Tô Hiệu đã dìu dắt, động viên đồng chí, đồng đội trong “địa ngục trần gian” của đế quốc, giữ vững khí tiết, chiến thắng kẻ thù; tuyên truyền, vận động thức tỉnh đồng bào các dân tộc Sơn La và cả vùng Tây Bắc đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền.

 

Chị Cầm Thị May, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Sơn La không nhớ mình đã tái hiện câu chuyện về những cống hiến của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu biết bao lần. Dù nhớ rõ từng chi tiết, nhưng mỗi lần dẫn du khách tham quan và giới thiệu, chị May luôn có những cảm xúc thật đặc biệt.

"Mỗi khi giới thiệu câu chuyện về Tô Hiệu, tôi thấy rất tự hào. Đó là lúc tôi được kể cho du khách, cho người dân về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản ở đây, tiêu biểu là tấm gương Tô Hiệu. Qua đó người tới tham quan sẽ hiểu sâu hơn, tự hào hơn về dân tộc, lịch sử của quê hương mình" - Chị May cho biết.

Ngược dòng lịch sử, khi ấy, Tô Hiệu được coi là thành phần cực kỳ nguy hiểm và lấy cớ bị bệnh lao phổi, nên thực dân Pháp giam riêng ông tại một xà lim rộng gần 4 m² cạnh hành lang đi tuần. Đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của ông, mà trái lại, còn hun đúc thêm ý chí gang thép của người cộng sản.

Mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Ông thường ngồi trên bệ xi măng, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp vào ngực để nén cho vết thương trong phổi đỡ nhức nhối, vừa viết tài liệu vừa ho, đôi khi khạc ra máu. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim…

Ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng đội, Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trong niềm tiếc thương vô hạn, chi bộ nhà tù đã chỉ đạo anh em lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của ông.

Vừa lắng nghe, vừa rảo bước ghé thăm từng hiện vật trân quý, từ cây đào xanh tươi mà Tô Hiệu ươm mầm, đến xà lim giam giữ ông nay đã bị  tàn phá, và nơi ông hi sinh, cùng tấm bia mộ mang tên đồng chí Tô Hiệu… mỗi người con của quê hương Sơn La đều không dấu được sự xúc động xen lẫn tự hào.

Anh Và A Mua, người dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Mỗi lần đến Nhà tù Sơn La, nơi để lại dấu ấn đặc biệt với thế hệ trẻ, chúng tôi cảm nhận được những công lao, sự hi sinh của những người đi trước. Từ đó, chúng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải phấn đấu làm sao để hoàn thành sứ mệnh của mình, xứng đáng với những nỗ lực, hi sinh mà các hùng dân tộc đã cống hiến, để người dân Việt Nam có được cuộc sống như ngày hôm nay".

Chiến tranh đã lùi xa, nhà tù Sơn La đã giải phóng gần 80 năm, trải qua 2 lần ném bom của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bị tàn phá nặng nề. Dù vậy, đến thời điểm này, Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc, cùng những bài viết, cuốn sách, tư liệu hình ảnh về đồng chí Tô Hiệu.

Những năm qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục của Di tích; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và phát huy giá trị các di tích về những người chiến sĩ cộng sản nói chung và Tô Hiệu nói riêng. Đặc biệt, trong dịp này, bảo tàng Sơn La đã tổ chức triển lãm ảnh “Tinh thần Tô Hiệu” với 100 bức ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của người anh hùng liệt sỹ.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: "Để làm phong phú thêm hiện vật về di tích nhà tù Sơn La, cũng như câu chuyện về Tô Hiệu, hằng năm, chúng tôi phối hợp với Hưng Yên, thân nhân gia đình Tô Hiệu, các bảo tàng Côn đảo, bảo tàng Hỏa Lò (Hà Nội), viện lưu trữ trung ương để sưu tầm, bổ sung thêm các hiện vật… Các cán bộ thuyết minh viên còn nghiên cứu những cuốn hồi ký, bài viết, phát biểu của các tiền bối cách mạng, cựu tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La, các cán bộ cốt cán, lão thành của Đảng và Nhà nước, để bổ sung, làm phong phú thêm tư liệu, thuyết minh, truyền tải đến du khách, nhân dân các dân tộc trong và ngoài nước".

Hàng năm vào dịp này, ông Tô Quyết Tiến, cháu liệt sỹ Tô Hiệu cùng gia đình, thân nhân thường tới thăm lại nhà ngục, thăm những con đường, ngôi trường mang tên đồng chí Tô Hiệu tại thành phố Sơn La.

Không giấu được niềm xúc động, ông Tiến chia sẻ: "Hơn 20 năm qua, tôi được gia đình, dòng họ giao trách nhiệm trông nom phần mộ, nhà thờ và tổ chức các hoạt động tưởng niệm tổ tiên, trong đó có liệt sỹ Tô Hiệu. Bởi vậy, tôi có dịp nhiều lần đến Sơn La rồi, mỗi lần đến tôi đều có cảm giác như về nhà của mình. Đặc biệt, lần này tôi rất xúc động, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của liệt sỹ Tô Hiệu, lãnh đạo tỉnh nhà, các cơ quan đoàn thể và nhân dân Sơn La đã tổ chức rất nhiều hoạt động để tri ân, tưởng niệm. Mặc dù không phải nơi sinh, nhưng Sơn La là nơi Tô Hiệu bị giam giữ, hoạt động và hi sinh và an giấc ngàn thu ở đây".

Ba mươi hai tuổi đời, mười tám năm hoạt động cách mạng sôi nổi của Tô Hiệu là những tháng ngày phấn đấu không ngừng nghỉ, trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng đến giây phút cuối cùng. Tấm gương và “tinh thần Tô Hiệu” sẽ mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc Sơn La nói riêng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La
Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

VOV.VN -Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng.

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

VOV.VN -Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng.