Toàn cảnh chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua ảnh

VOV.VN - Từ ngày 26-28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thương định G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản.

Chiều 26/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay Chubu-Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ngay sau đó, tại Nagoya, tỉnh Aichi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự buổi Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề: “Việt Nam hội nhập và phát triển”.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chiều 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon (ảnh),Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức OECD và Lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại cuộc tiếp bà Christine Largrade, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tại hội nghị, thảo luận về chủ đề Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á, các đại biểu đã lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Sri Lanka.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chiều 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp (ảnh), Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh), Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Sáng 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản, ông Takehiko Kakiuchi.

Ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự.

Sau lễ đón, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm. Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. 

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD).

Kết thúc buổi lễ trao văn kiện, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả cuộc hội đàm. 

Thủ tướng cho biết: "Tôi và Ngài Thủ tướng vừa có cuộc hội đàm rất thành công, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới".

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Lãnh đạo một số cơ quan tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản như Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shinichi Kitaoka, Chủ tịch danh dự Tập đoành Mitsubishi Kojima Yorihiko, Thống đốc tỉnh Aichi Hideaki Omura, đi thăm nông trại Yokoyama, tại thị trấn Toyoake, tỉnh Aichi (ảnh).

Tối 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Tokyo về Hà Nội. Với hơn 19 cuộc hội kiến, hội đàm, gặp gỡ, đối thoại, phát biểu trên diễn đàn đa phương và song phương dày đặc trong 3 ngày (26-28/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn không phai trên xứ sở hoa anh đào khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm làm việc tại Nhật Bản.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên