Tội phạm rửa tiền: Công an hay Ngân hàng phải lo?

Ngân hàng chịu trách nhiệm về tội phạm rửa tiền, còn công an chịu trách nhiệm về khủng bố, tội phạm và cần có cơ chế phối hợp hai ngành này.

Chiều nay (22/5), Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống rửa tiền.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương  (đoàn TP HCM) trong Luật phải liệt kê để có thể nhận dạng được hành vi rửa tiền. “Nhưng trong Luật này chưa đưa ra được. Rửa tiền chủ yếu thông qua hoạt động NH, nhưng thực tế qua nhiều kênh chứng khoán, nhà hàng, đầu tư… Từ 2002 thành lập Cục rửa tiền nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện ra vụ rửa tiền nào. Chính vì vậy, phải thiết kế lại nhiều nội dung thì mới phù hợp” - đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Nhiều ý kiến đề nghị không đưa nội dung “tài trợ khủng bố” vào Luật này mà nên quy định trong một luật riêng vì hoạt động khủng bố là hoạt động phức tạp, khó xác định rõ ràng và liên quan đến an ninh quốc gia; tùy hành vi vi phạm mà áp dụng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự phù hợp và theo dự thảo Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì nội dung “tài trợ khủng bố” đã được bỏ khỏi phạm vi điều chỉnh. Mặt khác, khái niệm khủng bố và tài trợ khủng bố, cùng nhiều nội dung trong dự thảo Luật cũng chưa rõ ràng, nguồn gốc tài chính trong hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố là khác nhau.

Tuy nhiên, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) thì “Nhất thiết phải đưa thêm vế chống tài trợ khủng bố vào dự thảo luật”.

Về giá trị giao dịch phải báo cáo, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu ý kiến: “Tôi tán thành là không ghi mức cụ thể, mà theo từng thời kỳ phát triển kinh tế. Nhưng tôi không tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức này. Tôi thấy giao cho NHNN là hợp lý, vì NHNN là cơ quan chức năng có thể nêu vấn đề và sau đó có thể báo cáo Thủ tướng. Mặc dù giải trình có xuôi theo hướng giao cho Thủ tướng”.

Về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước trong việc kiểm soát các ngân hàng thực hiện phòng chống rửa tiền, đại biểu Trần Đình Nhã, đoàn Thừa Thiên - Huế đặt câu hỏi: Nếu giao thẳng cho ngân hàng thì liệu các ngân hàng có đủ sức thực hiện được không? Vì vậy, Quốc hội nên cân nhắc việc này để giao cho ngành ngân hàng kiểm soát hay Chính phủ.

Còn đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị 2 ngành quan trọng nhất trong việc này là ngân hàng và công an. “Cần làm rõ ngân hàng chịu trách nhiệm về tội phạm rửa tiền, còn công an chịu trách nhiệm về khủng bố, tội phạm và cần có cơ chế phối hợp hai ngành này” – ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng cho rằng: cần quy định và bổ sung thêm vào dự án Luật điều khoản về minh bạch tài sản, tránh việc lợi dụng chia tài sản cho con cái, người thân bằng tiền tham nhũng hoặc kiếm lợi bất chính. Hiện nay, người tham nhũng có thể đem chia tài sản cho con cái nhưng luật không có cơ chế kiểm soát vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói: “Con cái các quan chức thành lập các doanh nghiệp và giàu lên một cách bất hợp pháp. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung cấm lợi dụng chức vụ quyền hạn để thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên