Tổng Bí thư: Cán bộ Mặt trận phải không nể nang, né tránh
VOV.VN - Tổng Bí thư cho rằng có lúc, có nơi, có địa phương, Mặt trận ở cơ sở vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình; thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề, nội dung cần thiết có sự giám sát, phản biện xã hội.
Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, chiều 26/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật gặp mặt 63 đại biểu về dự hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ cấp xã và Trưởng Ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc.
Nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, khẳng định những thành tựu chung của Đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đội ngũ những người làm công tác, giữ vai trò quan trọng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, lịch sử đã chứng minh, nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", là tinh thần đại đoàn kết, hoà bình, hữu nghị, với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", luôn luôn có khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần ấy luôn luôn được kế thừa và phát huy, trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực vô cùng to lớn của đất nước, đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của gần trăm triệu người dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; thúc đẩy phát triển các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; tích cực xoá đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề mà nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc như: Thiên tai, lũ lụt; dịch Covid-19 và một số dịch bệnh mới xuất hiện; mất an toàn về cháy, nổ, giao thông, khiếu kiện, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; một số vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng,… Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với vai trò, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở.
Nêu rõ quan điểm "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp uỷ đảng, chính quyền.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, đối tượng yếu thế... Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của chúng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là nòng cốt tích cực trong đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn, cơ sở. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân nhận thức đầy đủ, cụ thể hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của mình; về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Mặt trận ở cơ sở.
“Vừa qua, qua tiếp xúc với cử tri và nhân dân tôi nhận thấy, khi nhắc đến cụm từ "Mặt trận Tổ quốc cấp xã", "Ban Công tác Mặt trận" thì người dân cảm thấy rất đỗi quen thuộc, ai cũng biết, nhưng khi hỏi các tổ chức này có vai trò gì, làm những công việc gì thì nhiều người dân chưa hiểu hết. Do đó, điều quan trọng là làm sao để mọi người dân hiểu được vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận ở cơ sở. Muốn người dân tin yêu hơn, hỗ trợ, giúp đỡ Mặt trận nhiều hơn, mỗi cán bộ Mặt trận cần tích cực gần dân, gương mẫu, đi trước, đi đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hướng dẫn nhân dân trong các công việc của cộng đồng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, không sợ khó, sợ khổ, bởi những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên, các cá nhân có uy tín, có tầm ảnh hưởng; cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, kết hợp chặt chẽ và linh hoạt, giữa hiện đại với truyền thống; tập trung, ưu tiên vào việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Công tác giám sát, phản biện xã hội là các nội dung lớn đã và đang được Đảng, Nhà nước cụ thể hoá. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có địa phương, Mặt trận ở cơ sở vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình trong hoạt động này, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, quy trình thực hiện; thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề, nội dung cần thiết có sự giám sát, phản biện xã hội; một số nơi còn tâm lý nể nang, ngại va chạm trong giám sát hoạt động khối cơ quan đảng, chính quyền. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí quyết liệt hơn nữa, nâng cao nhận thức, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, né tránh và thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Một lần nữa khẳng định đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng, là những người có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng dân cư, luôn làm việc với tinh thần: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục cầu thị, lắng nghe và tham gia giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Thường xuyên trau dồi, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng, tinh thần nêu gương, mẫu mực, kiên định niềm tin và biết dựa vào nhân dân để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới./.